LINH MỤC PHAN VĂN LỢI HÃY LÀ MỘT NGƯỜI CHA CÓ TÂM !

Câu chuyện một số Giáo sĩ cực đoan trong đạo Công giáo đang lợi dụng chiếc áo thầy tu, lợi dụng Chúa và đức tin của quần chúng giáo dân đi ngược lại với lợi ích dân tộc, đi ngược lại với lời dạy của Chúa trong thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh tôn giáo này trong con mắt người dân cả nước. Mới đây ngày 18/11/2016, nhân sự kiện Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Linh mục Phan Văn Lợi lại lấy đó làm cơ hội để thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bóp méo những nội dung được quy định trong Bộ luật này.

Trả lời đài RFA Tiếng Việt, Linh mục Phan Văn Lợi đã đưa ra 2 lý do để phản đối Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nhận định của bản thân về tình hình sắp tới như sau:“Lý do thứ nhất ở các nước văn minh người ta không bao giờ ra luật tôn giáo cả. Lý do thứ hai các luật lệ trong chế độ cộng sản này không để phục vụ nhân quyền mà chỉ để phục vụ cho sự cai trị của đảng cộng sản mà thôi.Chắc chắn nhà cầm quyền sẽ đàn áp gắt gao vì họ thấy rằng các tôn giáo ngày càng lên tiếng mạnh mẽ. Cụ thể nhất là giáo phận Vinh có những cuộc xuống đường, rồi những cuộc khiếu kiện mà sắp tới đây sẽ còn tiếp tục. Cũng như các tôn giáo khác ở Việt Nam càng lúc càng thấy phải lên tiếng với nhà cầm quyền, phê phán những sai lầm của chế độ.” 
Linh mục Phan Văn Lợi, ảnh: internet

Có thể thấy, những thông tin mà Linh mục Phan Văn Lợi đưa ra là không khách quan, xuyên tạc, bóp méo những nội dung được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tác giả đưa những lý do sau đây để làm rõ vấn đề:

Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó. Khoản 3, Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã quy định rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Thứ hai, việc xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo là rất cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo.
Có thể thấy rằng, Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo (2004), như: Việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo... Các quy định pháp lý này, không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, hiện nay, nước ta có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 24 triệu tín đồ, 83.000 chức sắc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 25.000 cơ sở thờ tự… Qua số liệu này cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, phát triển của các tôn giáo, tồn tại cùng dân tộc lâu dài trong quá trình phát triển của đất nước. Đây là một sự thật không ai có thể xuyên tạc và phủ nhận. Nhà nước ta bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, để quyền tự do đó được bảo đảm thì mọi tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước. Pháp luật sẽ nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích cộng đồng, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân, làm mất ổn định chính trị, xã hội, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Vậy có thể khẳng định, những lí lẽ mà Linh mục Phan Văn Lợi đưa ra nhằm bác bỏ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hoàn toàn không có cơ sở, xuyên tạc trắng trợn vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Rõ ràng, đây là hành động sai lệch cần phải bị lên án và kiên quyết loại bỏ.

LOA LÀNG

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment