“Sẽ bàn giao 7 triệu sổ bảo hiểm xã hội trong năm 2016”

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN cho biết, quy trình bàn giao sổ BHXH cho người lao động đã hoàn thành. Việc trả sổ BHXH được thực hiện trong năm 2016 và 2017. Sổ BHXH của người lao động tham gia sau năm 2008 sẽ được trả trong năm 2016.

Tháng 8/2016, BHXH TP Hải Phòng đã trả sổ BHXH cho người lao động ở một số doanh nghiệp.


Thưa ông, nhiều người lao động đang mong mỏi được nhận sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định Luật BHXH năm 2014. Vậy, tới thời điểm này, công tác chuẩn bị trả sổ đã thực hiện tới đâu?


- Cả nước hiện có hơn 13 triệu sổ thẻ BHXH, trong đó có khoảng 1 triệu sổ BHXH thuộc lực lượng vũ trang và công an - nhóm này sẽ có quy chế riêng thực hiện riêng.

Còn lại khoảng hơn 12 triệu sổ thẻ BHXH, gồm khoảng 7 triệu sổ BHXH của những người tham gia từ năm 2008 tới nay. Đây là những sổ BHXH theo hình thức mới, cơ sở dữ liệu và công tác rà soát số về cơ bản đã hoàn thành. BHXH VN sẽ thực hiện trả sổ BHXH cho người lao động thuộc diện này trong năm 2016.

Với khoảng 5 triệu sổ BHXH ghi thủ công của thời gian trước năm 2008, BHXH VN đang khẩn trương rà soát kỹ các thông số trước khi trả như: Nhân thân, thời gian đóng, mức đóng, các điều kiện đóng. Năm 2017, BHXH VN sẽ thực hiện trả nốt cho nhóm 5 triệu sổ này.
Hiện nay, BHXH VN đang cập nhật và đồng bộ dữ liệu của 2 nhóm thẻ trên. Mục tiêu đến năm 2020, BHXH VN đồng loạt thực hiện quản lý sổ BHXH điện tử, người chủ sổ sẽ dễ dàng liệt kê được quá trình đóng - hưởng theo năm, theo quý. Thậm chí người có thời gian làm việc trước năm 1995 cũng sẽ nắm được thông tin của mình.

Thưa ông, bên cạnh đa số quan điểm muốn nhận sổ BHXH để tự quản lý, một số ít người lao động lại muốn nhờ chủ sử dụng lao động hoặc một tổ chức trung gian giữ hộ để khỏi mất mát hoặc rách hỏng?

- Về nguyên tắc, người lao động có quyền được nhận và trách nhiệm tự bảo quản sổ BHXH của mình. Còn việc người lao động không thích giữ và uỷ quyền cho tổ chức hay nhóm nào đó giữ hộ cũng là một quyền của họ. Tuy nhiên, người lao động cần phải suy nghĩ thật kỹ khi quyết định.

Cuốn sổ BHXH có thể coi như là một hình thức sổ tiết kiệm cá nhân. Sổ lưu giữ dữ liệu của người lao động. Nếu cuốn sổ đó bị mất, rách nát hoặc không sử dụng được, người lao động có thể tới cơ quan BHXH để tra cứu quyền lợi.

Về thủ tục, BHXH VN sẽ kết hợp với người sử dụng lao động để trao sổ cho người lao động tại nơi làm việc. Trường hợp đặc biệt, BHXH VN sẽ thông qua hệ thống dịch vụ công chuyển sổ BHXH tới nơi ở của người lao động.

Đầu tháng 11, BHXH Hà Nội và một số doanh nghiệp ngành may mặc sẽ tổ chức trả sổ BHXH cho hàng ngàn người lao động. Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp rất ủng hộ việc trả sổ BHXH, vì việc quản lý sổ BHXH mất sẽ nhiều thời gian cập nhật thông tin, chi phí nhân sự của doanh nghiệp.

Ngoài những doanh nghiệp chấp hành tốt quy định, theo phản ánh của Tổng LĐLĐ VN, tình trạng doanh nghiệp trốn, chậm đóng BHXH đã gây ra nhiều thiệt hại về quyền lợi của người lao động. Đơn cử như trong việc thiếu thông cập nhật dữ liệu sổ BHXH, khi làm thủ tục bàn giao sổ BHXH, thưa ông?

- Về nguyên tắc của cơ quan BHXH là có đóng - có hưởng. Do vậy, việc trả sổ không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí qua đó, người lao động mới có thể biết được việc chủ sử dụng đã và đang đóng BHXH cho mình ở mức nào và thời điểm nào.

Nếu phát hiện những vi phạm, người lao động cần chủ động cùng cơ quan BHXH đấu tranh với chủ sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH.

Chúng ta không thể chấp nhận câu chuyện, một phần kinh phí đóng BHXH đã được doanh nghiệp được tính vào giá thành sản phẩm và dịch vụ, nhưng lại không đóng cho người lao động.

Như vậy, việc trả sổ là một kênh giám sát, công khai minh bạch việc đóng BXHH từ nhiều phía: Người lao động, chủ sử dụng lao động. Thậm chí cả việc thực hiện từ phía cơ quan BHXH.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Hoàng Mạnh - http://dantri.com.vn/viec-lam/se-ban-giao-7-trieu-so-bao-hiem-xa-hoi-trong-nam-2016-20161031113320837.htm
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment