HRW XIN HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Ngày 18/10 vừa qua, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đưa ra thông cáo yêu cầu Quốc hội Việt Nam “cần cải cách pháp luật hình sự nhằm tôn trọng các quyền cơ bản tự do phát biểu, lập hội, hội họp và tôn giáo”. Ông Brad Adams - Giám đốc của Tổ chức nhân quyền khu vực châu Á của HRW cho biết thêm “Việt Nam đang sử dụng những điều luật mơ hồ để áp dụng sự trừng phạt lên những người đấu tranh, các nhà hoạt động và các blogger”. Cũng theo ông Adams trong phiên họp dự kiến từ 20/10 đến 22/11/2016 xem xét sửa đổi luật Hình sự và luật Tố tụng hình sự, Quốc hội Việt Nam nên nhân cơ hội này “để chấm dứt những quy định tạo nên rất nhiều tù nhân chính trị và cải thiện luật pháp Việt nam cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”.
Quan điểm của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) được thể hiện trên Đài Á Châu tự do, ảnh chụp màn hình

Có thể nhận thấy rõ rằng, các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, có đặc thù văn hóa, truyền thống..., không giống nhau thì việc nội luật hóa các công ước mà mình đã tham gia vào pháp luật quốc gia phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước là điều tất nhiên và đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Trong khi đó, HRW chỉ là một tổ chức phi Chính phủ lại tự cho mình cái quyền chỉ trích Việt Nam Nam “đang sử dụng những điều luật mơ hồ để áp dụng sự trừng phạt lên những người đấu tranh, các nhà hoạt động và các Blogger”; không những vậy còn đòi hỏi Quốc hội Việt Nam phải thay đổi pháp luật hình sự với luận điệu cho rằng “không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”… . Rõ ràng đây là một hành động phi lý, phi pháp can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam.
Hơn nữa, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, coi đó là nguyên tắc cơ bản của các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều 3, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Đồng thời, trong quá trình đổi mới toàn diện, việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đã tạo tiền đề cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó dành toàn bộ chương II với 36 điều quy định chi tiết và đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Hiến pháp 2013 là bước tiến đáng kể về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua, bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tháng 2/2013 và nhận được hàng chục triệu ý kiến đóng góp của của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự nhất quán trong chính sách của Nhà nước và sự đồng thuận của xã hội trong sự nghiệp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Về xây dựng khuôn khổ luật pháp theo mục tiêu Nhà nước pháp quyền, tính từ năm 2009 đến nay, 25 đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành và sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, trong đó đáng chú ý là Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Luật sư, Luật Xuất bản, Luật Báo chí... Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện 41 chiến lược và chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội với ưu tiên dành cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Ở Việt Nam, các quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, được bảo đảm thực hiện bằng các cơ chế, bộ máy của Nhà nước và được khuyến khích thông qua sự phát triển phong phú, đa dạng của các loại hình báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có Internet. Tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân luôn được trân trọng, lắng nghe trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như hoạch định chính sách về mọi vấn đề quan trọng của đất nước. Các cuộc chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của nhân dân Việt Nam. Việc dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhận được hàng chục triệu ý kiến đóng góp trong gần 10 tháng đăng tải công khai trên Internet và các tờ báo, tạp chi lớn là minh chứng rõ nét nhất cho thực tiễn đảm bảo quyền tự do thông tin, tự do bày tỏ chính kiến của người dân Việt Nam.
Nói vậy để thấy, những “quan ngại” của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) về Việt Nam hoàn toàn là sự vu cáo không có căn cứ, thiếu thuyết phục. Rõ ràng, đây là hành động sai lệch và cần phải bị lên án.

LOA LÀNG
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment