Chính quyền đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho tiểu thương chợ Long Xuyên

Những lo lắng của của trên trăm hộ tiểu thương buôn bán nông sản tại chợ Long Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang bị di dời đến chợ mới đã được giải toả khi chính quyền thông báo cho người dân, các tiểu thương này vẫn được bán tại chỗ cũ nhưng chỉ được bán lẻ.

Chợ mới đầu mối được xây dựng khang trang nhưng vẫn vắng tiểu thương.

Tiểu thương được bán cả 2 chợ

Sáng ngày 20/10, UBND thành phố Long Xuyên đã có buổi tiếp xúc với các hộ tiểu thương chợ Long Xuyên để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, bàn phương án tốt nhất cho các hộ tiểu thương ổn định buôn bán. 

Tại buổi đối thoại rất nhiều hộ tiểu thương vẫn kiên quyết không chịu di dời đến nơi chợ mới chợ Cái Sao tại phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thành phố Long Xuyên phê duyệt và xây dựng chợ đầu mối nông sản kết hợp với một phần thủy hải sản nằm trong Dự án Khu thương mại dịch vụ và Dân cư tại phường Mỹ Thới, tất cả các hộ buôn bán sỉ nông sản, thuỷ hải sản tại chợ Long Xuyên sẽ được di dời sang chợ mới vào cuối năm 2016. 

Sau khi ghi nhận những ý kiến của các tiểu thương tại buổi đối thoại, ông Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên khẳng định: Đồng ý cho các hộ tiểu thương bán lẻ nông sản tiếp tục được kinh doanh, buôn bán tại chợ Long Xuyên, diện tích bán lẻ mỗi người chỉ được 1 lô 3m2 và các vị trí sẽ được ban quản lý chợ sắp xếp lại trong thời gian tới.

Đối với các hộ bán sỉ chuyển qua bán lẻ tại chợ Long Xuyên thành phố vẫn đồng ý và vẫn được đăng ký bán sỉ tại chợ mới Cái Sao (có nghĩa là vẫn được buôn bán 2 chợ mới và cũ-PV).

Ngoài ra mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng khi đến chợ mới trong đó gồm 5 triệu tiền thưởng và 5 triệu tiền di dời mọi phát sinh mà các tiểu thương đầu tư tại chợ cũ sẽ được tính toán và có chế độ hỗ trợ theo quy định. 

Trao đổi thêm với Đại Đoàn Kết, ông Đào Văn Ngọc cho biết, việc quy hoạch chợ đầu mối nông sản được phê duyệt, dự kiến sẽ là chợ đầu mối trung chuyển không chỉ cho tỉnh An Giang mà còn là nơi thu gom nông sản của các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp…

Vì vậy thời gian này cho đến trước ngày 31/12/2016 nếu các hộ tiểu thương xuống chợ mới đăng ký sẽ được hỗ trợ, còn sau thời gian này các tiểu thương phải tự lo, ngay cả vị trí lô sạp ban quản lý sắp xếp chỗ nào phải chịu… 

Buôn bán tại chợ mới sẽ được hỗ trợ

Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực chợ Cái Sao, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hệ thống lô sạp được bố trí gọn gàng, các tuyến đường được mở rộng nhưng vẫn còn trống rất nhiều chỗ, nhất là các khu nông sản, khu thuỷ hải sản, khu hàng bông hiện đang vắng tiểu thương đến buôn bán.

Gặp Anh Vũ chủ vựa hải sản, trước đây ở chợ Long Xuyên, đã dời về chợ mới được vài tháng cho biết: Về nơi mới lâu nay chúng tôi không phải đóng tiền mặt bằng, chỉ đóng tiền điện nước, các lô sạp xây dựng rất thoáng, đặc biệt là hệ thống đường được làm kiên cố và rộng rãi thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá. Trước đây nhập hải sản phải qua 2 hay 3 chặng mới đến được sạp, nhưng giờ ô tô vào tận sạp để đổ hàng xuống.

Nhưng có cái hơi buồn vì vắng tiểu thương đến buôn bán, còn việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường vì có mối sẵn, thậm chí có lời hơn vì đỡ được nhiều chi phí…

Ông Trần Văn Sang, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và chế biến lương thực Thiên Ngọc, chủ đầu tư Dự án Khu Thương mại- Dịch vụ và Dân cư, cho biết: Hộ tiểu thương đến buôn bán tại chợ mới được hưởng nhiều chính sách của doanh nghiệp như: không tính tiền mặt bằng trong 1 năm, về diện tích, vựa là 18 m2, đại lý là 9 m2, số tiền thuế và các khoản thu khác ở chợ mới sẽ được tính như ở chợ cũ Long Xuyên.

Mọi vấn đề thuế và các khoản thu tại chợ mới, sau 1 năm miễn thuế sẽ được tính theo quy định của nhà nước và được sự phê duyệt của nhà nước và pháp luật, kể cả các hợp đồng ký kết giữa tiểu thương với doanh nghiệp cũng chịu sự giám sát của chính quyền địa phương…

Như vậy khó khăn bước đầu đã được quyết giữa các bên. 

Nguồn: Quốc Trung - http://daidoanket.vn/tieng-dan/chinh-quyen-doi-thoai-thao-go-vuong-mac-cho-tieu-thuong-cho-long-xuyen/129129
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment