THÁNG BA NHỚ VỀ KHÚC BI TRÁNG GẠC MA

“Lanh gục xuống, một dòng máu nhuộm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc. Lanh bị thương, nhưng lá cờ của Tổ quốc trên đảo không đổ”. Những câu văn ngắn gọn ấy trong cuốn sách “Kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa” của Lịch sử Trung đoàn 83 – Quân chủng Hải quân là chưa đủ, nhưng cũng nói lên phần nào bi tráng mà anh hùng về một dấu mốc mà chúng ta sẽ không bao giờ được phép lãng quên – ngày 14/3/1988 – Trung Quốc đã ngang ngược nổ súng tấn công và chiếm đóng bất hợp pháp Gạc Ma, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.

Cần phải nói rằng, có quá nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy chính người Việt là những người đầu tiên đặt chân và là những cư dân đầu tiên ở Trường Sa. Trung Quốc chưa từng chiếm đóng được vị trí nào trên quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, từ cuối năm 1987 đến đầu năm 1988, Trung Quốc đã ngang ngược cho các tàu chiến ra khu vực này, xua quân đánh chiếm, chiếm đóng bất hợp pháp các bãi cạn tại đây, biến các hòn đảo thành những căn cứ quân sự để làm “bàn đạp”, tìm cách mở rộng phạm vi chiếm đóng của mình ở đây. Trung Quốc đã tính toán và chuẩn bị rất kĩ cho sự kiện này. Nếu chiếm được Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, làm chủ khu vực này Trung Quốc có thể kiểm soát được các đảo khác tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã huy động đến một liên đội tàu chiến gồm nhiều tàu được trang bị đầy đủ vũ khí và đạn dược, tổ chức tập luyện cho quân của mình nhiều lần về cách chiếm đảo, lên kế hoạch tỉ mỉ cho hoạt động của mình.


Về phía ta, từ tháng 10/1987, nhận định tình hình tại khu vực Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã cho chuyển trạng thái chiến đấu cao ở các đơn vị trên quần đảo Trường Sa và đồng thời lệnh cho một số đơn vị sẵn sàng xây dựng, chi viện đảo. Ngày 12/3/1988, trước việc Trung Quốc tăng cường quân xuống khu vực quần đảo của ta, các tàu HQ 604, HQ 605 được tăng cường đến Gạc Ma và Len Đao. Tàu HQ 505 đang trực tại Trường Sa cũng được điều động đến Cô Lin. Nhưng với những mưu toan và dã tâm từ trước, Trung Quốc đã hành động.

Khoảng 6 giờ 30 phút sáng ngày 14/3/1988, khi các chiến sỹ công binh Hải quân trên tàu HQ 604 đang vận chuyển vật liệu lên Gạc Ma và cắm cờ Tổ quốc, thì tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện. Với những tàu chiến lớn quây vòng quanh đảo, vừa quấy phá, vừa không để ta đưa vật liệu lên bờ, Trung Quốc cho lính đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Tuy nhiên, các chiến sỹ công binh của ta đã kiên cường đẩy lùi đợt tấn công của địch. Thiếu úy Trần Văn Phương dù ngã xuống nhưng tay vẫn nắm chặt cờ Tổ quốc. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh đỡ lấy cờ, song lính Trung Quốc đã dùng lê đâm gục anh. Anh gục xuống, nhưng cờ vẫn đứng vững. Những người lính đã đứng thành một vòng tròn bất tử, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Không đạt được mục đích, Trung Quốc rút quân về tàu và nổ súng xối xả bắn chìm tàu HQ 604 và sát hại những người lính của Việt Nam, khiến 64 người con ưu tú của đất Việt đã anh dũng hi sinh. Tàu HQ 505 ở Cô Lin và HQ 605 ở Len Đao cũng bị tấn công và trúng đạn. Riêng tàu HQ 505 bị cháy đuôi, thuyền trưởng đã hạ lệnh ủi thẳng lên Cô Lin như khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam làm kẻ thù khiếp sợ phải rút lui. Khoảng một tháng sau, ta đã tiến lên Len Đao và xây nhà tiếp tục đánh dấu chủ quyền. Quân Trung Quốc cho 7 tàu và nhiều tàu xuồng nhỏ quấy nhiễu, nhưng khi thấy 7 chiếc máy bay của Không quân ta xuất hiện thì vội vã rút lui. Len Đao và Cô Lin đã được giữ vững cho đến tận hôm nay.

Hành động cưỡng chiếm Gạc Ma của Trung Quốc dù đã trôi qua 29 năm, song nó vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Ngày 14/3/1988 đã trở thành một ngày không thể nào quên và không được phép quên đối với tất cả con dân đất Việt. Vùng biển Trường Sa đã dậy sóng và nhuộm đỏ máu những người lính anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Vòng tròn bất tử của 64 chiến sỹ năm nào vẫn luôn là niềm xót thương và mãi ghi dấu trong lòng mỗi người dân đất Việt. Nó sẽ mãi là một khúc ca bi tráng và một lời nhắc nhở cho chúng ta về lòng dũng cảm và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

ĐỨC HIỂN
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment