NHỚ NGƯỜI ANH Ở GẠC MA

Vậy là sắp tới ngày 14/3. Cái ngày mà 64 con người quả cảm đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển cả quê hương và cái làng nhỏ bé này cũng vĩnh viễn mất đi một người con ưu tú. Ngoài trời từng hạt mưa bay và cái lạnh hiu hiu bất chợt của những ngày đầu tháng 3 càng khiến tâm trạng con người trở nên nhạy cảm, se buốt. Thắp một nén hương với lòng thành tâm, tôi ngồi xuống bên chiếc bàn uống nước đợi chờ một tiếng gọi quen thuộc. Rồi chợt vang lên ở ngoài cổng tiếng giọng thân quen.
- Giáo ơi, có nhà không, Tao Hải đây.
- Có, vào nhà đi.
Nó bước vào nhà, vài giọt mưa còn vương trên tóc. Không cần phải suy nghĩ, tôi cũng biết hôm nay nó sang nhà để mời tôi dự ngày giỗ của người anh họ đã hi sinh ở Gạc Ma. Là anh họ của nó nhưng thực tế người ấy với tôi không khác gì một người anh. Ngày còn nhỏ, cả đám trai trong làng chơi với nhau nên chẳng ai lạ gì. Anh, tôi và nó 3 thằng đầu trò, đi đâu cũng có nhau từ chăn trâu, đánh tó, đến uýnh nhau chảy máu đầu với mấy đứa làng bên. Ngày anh nhập ngũ, ba đứa đứng bịn rịn, hẹn nhau ngày trở lại sẽ làm một trận thật tưng bừng. Tôi và nó còn đứng trông cho tới khi chiếc xe chở anh khuất bóng cuối con đường. Ấy vậy mà...


- Mưa gió thế này còn sang, tao biết rồi. Mày không cần phải vất vả như thế.
- Vẫn biết là ba anh em mình thân thiết với nhau, nhưng đây là việc lễ nghĩa của gia đình nên không thể sơ xài được.
- Tao thật áy náy. Việc dạy học vốn chẳng thể dừng, năm qua cũng nhiều việc bừa bộn quá nên ít có dịp sang thăm hai bác.
- Tao hiểu mà. Công việc cuộc sống ai cũng thế cả. Mày bận tâm làm gì, có ai trách gì đâu. Nghĩ ngợi làm gì. Là anh em thì chẳng có gì phải lăn tăn. Anh ấy ở nơi cao cũng hiểu lòng mày mà.
- Vậy là 29 năm rồi. Nhanh thật.
- Ừ. 29 năm là khoảng thời gian đủ nuôi lớn một thế hệ nhưng chẳng thể đủ để xoa dịu những vết thương lòng. Khổ thân ông bà cụ vẫn thương nhớ con khôn nguôi. 29 năm, anh vẫn nằm ngoài đó, ông bà cụ đắp mộ cho anh như thể anh nằm đây, vẫn mong một ngày đem được anh trở về. Nhưng giờ sức hai cụ cũng yếu đi nhiều. Mày không biết chứ ngày anh hi sinh, bố mẹ tao đã dặn phải quan tâm nhiều hơn tới hai bác vì gia đình neo đơn. Cũng từ đấy mà tao chăm lo cho hai bác như bố mẹ mình. Anh hi sinh, tao mới thấu hiểu được ý nghĩa của sự hi sinh, chiến đấu quên mình vỉ Tổ quốc, mới ý thức được trách nhiệm của mình đối với bố mẹ, hai bác và với người anh đáng kính.
- Mày nói đúng, sự hi sinh càng khiến cho con người trở nên vĩ đại hơn. Không có gì lớn lao và cao cả  bằng sự hi sinh chính sinh mạng của mình để các thế hệ sau được sống và phát triển.
- Trời tạnh rồi, tao đi đây, còn phải mời thêm một vài chỗ nữa. 11h trưa nay sang nhà dự cỗ nhé.
- Ừ. Nhất định thế rồi.
Nó về, còn tôi ngồi lại với những suy nghĩ về sự hi sinh, ý thức trách nhiệm của một người dân đối với Tổ Quốc, về tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử để rồi bật lên trong lòng tôi là niềm tự hào, rằng chưa bao giờ dân tộc này chịu lùi bước trước bất kỳ thế lực nào. Đó phải chăng là hào khí Đông A mà thế hệ trước truyền lại cho con cháu. Và điều ấy lại khiến tôi mang một niềm trăn trở của một người giáo viên trước trách nhiệm phải truyền đạt cho thế hệ sau ngọn lửa của lòng yêu nước và những giá trị cốt lõi ngàn đời của dân tộc.

GIÁO LÀNG
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment