CÒN GIỚI HẠN VỀ "TỰ DO TÔN GIÁO" Ở VIỆT NAM?


Không thể có tự do tôn giáo một cách tuyệt đối

Đó là tít một bài viết vừa được đăng tải trên trang BBC tiếng Việt. Theo bài viết này, hôm 10/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố “Phúc trình Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2015” trong đó có phần nói về Việt Nam.

Trong phần nói về Việt Nam, bản Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Giới chức chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, đặc biệt là những nhóm chính phủ cho là tham gia vào các hoạt động chính trị, trong khi thành viên của các nhóm đã đăng ký có thể thực hành tín ngưỡng của họ mà ít bị can thiệp hơn”.

Ngoài ra, bản Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ còn viết: “Một số thành viên của các nhóm không được đăng ký đã nói về nhiều hình thức sách nhiễu của chính phủ, bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở, hành hung, giam giữ ngắn hạn, truy tố, giám sát, hạn chế về đi lại, và từ chối cho đăng ký hoặc các cho phép khác” .

Xin nói rằng, việc Chính phủ Việt Nam hay bất cứ một chính phủ nào khác trên thế giới hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, nhất là hạn chế những hành động lợi dụng hoạt động tôn giáo vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia là một chuyện hoàn toàn bình thường. Nhà nước Việt Nam quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có quyền theo hoặc không theo bất kỳ tôn giáo nào. Tuy nhiên, cũng nghiêm cấm những hành vi lợi dụng tôn giáo vào mục đích xâm hại lợi ích của Nhà nước, của công dân.

Tự do tôn giáo là quyền của mỗi công dân nhưng không phải cứ là quyền thì được tự do không giới hạn, được thỏa thích làm những gì mình muốn. Tự do là những gì hợp với quy luật. Giới hạn tự do của người này là quyền tự do của người khác, không thể có tự do quá trớn, tự do vô chính phủ. Tôn giáo cũng vậy. Tôn giáo là một thực thể của xã hội, do con người sinh ra, do đó tôn giáo cũng phải chịu sự quản lý của Nhà nước, của xã hội.

Thử hỏi, ở nước Mỹ Chính phủ Mỹ có quản lý các tôn giáo hay không, hay là cho nó hoạt động một cách tự do, không theo một tổ chức nào? Cũng cần nói thêm, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của con người nhưng nó lại cũng mang tính “chính trị”, tức là nó luôn bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các mục đích, mưu đồ chính trị.

Chúng ta cứ thử nhìn sang các nước Ả rập, nơi Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất. Đạo Hồi là nhu cầu tinh thần của những người ở đây, nhưng những kẻ xấu cũng đang lợi dụng Hồi giáo để thực hiện các mưu đồ chính trị, họ lấy danh nghĩa đạo Hồi để thực hiện các hành vi khủng bố, giết hại dân thường... Thử hỏi, nếu không quản lý thì cứ để họ lợi dụng đạo Hồi để thực hiện hành vi phi pháp.

Ở Việt Nam cũng như vậy, không ít những kẻ đang lợi dụng đạo Phật, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... để thực hiện các mưu đồ chính trị, chống phá chính quyền, gây bất ổn an ninh, trật tự. Do đó, việc Nhà nước ngăn chặn và hạn chế quyền tự do tôn giáo của những cá nhân, tổ chức này rõ ràng là điều đáng phải làm. Không thể lấy đó làm thước đo, là căn cứ để nói rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo.

Tất cả mọi thứ trên thế giới này đều chỉ có giá trị tương đối, không thể tuyệt đối hóa một cái gì. Tôn giáo cũng vậy. Tự do tôn giáo cũng phải trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với điều kiện lịch sử của mỗi quốc gia. Không thể có tự do tôn giáo một cách tuyệt đối.

Do đó, Bộ Ngoại giao Mỹ phải biết điều đó để đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về tự do tôn giáo toàn cầu, cũng như ở Việt Nam.

 Việt Nguyễn
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment