QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN – MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ

Nhất quán, phát triển quan điểm phát triển kinh tế tư nhân lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ, để tiếp tục khuyến khích và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã xác định nhiều chủ trương, quan điểm mới về kinh tế tư nhân. 

Một là, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã có bước phát triển mới, về nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân, được đông đảo dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Đại hội khẳng định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” trong sự phát triển của đất nước. Trong các kỳ Đại hội trước và nhiều Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định kinh tế tư nhân là “một trong những động lực”; tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là “là một động lực quan trọng của nền kinh tế.” Quan điểm này của Đại hội XII không chỉ là một sự xác nhận vai trò mới của kinh tế tư nhân, mà còn mở ra những cơ hội mới để thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới. 

Thực tiễn, quá trình 30 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị – xã hội của đất nước. 

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP. Tỷ trọng đóng góp vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng mạnh, chiếm hơn 2/3 tổng vốn đầu tư xã hội. Khu vực kinh tế này hiện giải quyết cho 4,72 triệu lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 57,1% tổng số việc làm của khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tăng thêm 8,7% lao động. Bên cạnh đó, sự phổ biến các thương hiệu sản phẩm của kinh tế tư nhân đã thể hiện rõ sự thừa nhận của xã hội đối với thành phần kinh tế này. Trên thị trường Việt Nam, ô tô Trường Hải cạnh tranh cùng các hãng xe lớn của thế giới; FPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin số 1 Việt Nam; Hoà Phát, Hoa Sen là đang dẫn đầu ngành thép; Trung Nguyên dẫn đầu trong ngành cà phê; Phú Thái là doanh nghiệp tư nhân duy nhất trong Top 4 nhà phân phối nội địa lớn nhất Việt Nam, v.v.. 

Hai là, để tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định giải pháp quan trọng, hàng đầu là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích”, “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”. 

Cả lý luận và thực tiễn ở nước ta đều khẳng định, kinh tế tư nhân chỉ phát triển đúng hướng khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách, biện pháp định hướng, quản lý phù hợp; vừa tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, vừa khắc phục tình trạng “tự phát”, chệch hướng xã hội chủ nghĩa của thành phần kinh tế này. Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, cần thực hiện tốt bốn chính sách kinh tế: Công tư đều lợi; chủ thợ đều lợi; công nông giúp nhau; lưu thông trong ngoài. Người cho rằng: bốn chính sách kinh tế ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta. 

Trong thời kỳ đổi mới, để khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị đối với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế tư nhân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Nhất quán quan điểm của các Đại hội trước, Đại hội Đại biểu toàn lần thứ XII bên cạnh việc tiếp tục nhấn mạnh “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích”, Đảng ta đã cụ thể hoá, chỉ rõ đối tượng cần ưu tiên hướng tới của các chính sách này là: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Ba là, một bước tiến mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trong thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là lần đầu tiên Đảng ta xác định chủ trương: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.” 

Quan điểm trên của Đảng xuất phát từ chính thực tiễn phát triển của kinh tế tư nhân. Trong 30 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng, làm cho không ít doanh nghiệp tư nhân tích tụ được một lượng vốn, tài sản lớn; hoạt động, quản lý theo phương thức tiên tiến. Đồng thời, bước đầu xây dựng, phát triển mô hình doanh nghiệp có mối liên hệ với nhau về vốn, kỹ thuật và quản trị, kinh doanh trên nhiều ngành nghề và không giới hạn phạm vi. Và, sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế tư nhân là một xu thế phát triển tất yếu. Hiện nay, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân, có đóng góp lớn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta; và là một lực lượng đối tác quan trọng, cùng với các tập đoàn kinh tế nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế, chính trị mà Chính phủ đề ra. 

Tuy nhiên, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay đang thiếu hẳn khung khổ pháp lý cũng như những chuẩn mực để đánh giá, quản lý, định hướng sự phát triển của các tập đoàn này. Trước thực tế đó, việc Đảng ta xác định chủ trương: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước” là hoàn toàn khách quan, khoa học. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Nhà nước hoàn chỉnh khung khổ pháp lý, tăng cường quản lý, định hướng, hỗ trợ kịp thời cho kinh tế tư nhân phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tốt vai trò “động lực quan trọng” của nền kinh tế.

Trần Tuấn
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment