BẦU CỬ CÓ PHẢI LÀ NGHĨA VỤ CÔNG DÂN?

Sau thất bại thảm hại của “phong trào tự ứng cử ĐBQH” do Nguyễn Quang A cầm đầu khởi xướng, đám lưu manh giả danh dân chủ trong nước vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ ngưng các hoạt động nhằm phá hoại cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới. Bên cạnh cái gọi là “bỏ phiếu online”; phong trào vận động “tẩy chay bầu cử”; hay kêu gọi tiến hành “cuộc cách mạng cá”; đám “dân chủ” này còn ra rả trên mạng Internet luận điệu “Bầu cử không phải là nghĩa vụ của công dân”.
Tiêu biểu như, ngày 20/5 vừa qua, trên trang BBC Việt ngữ có đăng tải bài viết “Không đi bầu có vi phạm pháp luật?” dẫn lời Luật sư Ngô Ngọc Trai để bàn về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Mặc dù mang danh luật sư, được coi là người có hiểu biết về kiến thức pháp luật nhưng Ngô Ngọc Trai lại đưa ra những luận điệu hết sức sai trái. Ngô Ngọc Trai quả quyết “việc đi bầu là quyền chứ không phải nghĩa vụ, vì là quyền nên người dân được toàn quyền tự quyết định việc thực hiện, theo đó có thể không đi bầu mà không bị xử lý trách nhiệm vì đó không phải là nghĩa vụ”; thậm chí vị luật sư này còn mù quáng khi đưa ra nhận định “Trong bối cảnh thực trạng chính trị xã hội Việt Nam hiện nay cũng cần nhận thấy việc không đi bầu cũng là thông điệp giá trị có tác dụng tốt”. Rõ ràng thực chất những luận điệu này của Ngô Ngọc Trai không có mục đích nào khác là nhằm tạo nên nhận thức lệch lạc, từ đó kích động, kêu gọi người dân không đi bầu cử, “tẩy chay”, phá hoại cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới.

Đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân (Ảnh Internet)

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Thực tế chứng minh quyền bầu cử không phải tự dưng mà có. Quyền bầu cử - quyền cơ bản nhất của công dân Việt Nam có được là do xương máu hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, đi bầu cử không chỉ là quyền lợi của mỗi công dân, mà cao hơn nữa còn là sự thừa hưởng và nối tiếp, giữ gìn thành quả cách mạng của dân tộc. Một công dân thực sự của nước Việt Nam không thể có thái độ thờ ơ, từ chối không thực thi quyền lợi thiêng liêng đó.
Bên cạnh việc nhận thức đúng về “quyền”, mỗi công dân Việt Nam phải nhận thức đúng về “nghĩa vụ” đối với đất nước. Khoản 1 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Điều đó có nghĩa, công dân có “quyền” bầu cử, đồng thời phải thực hiện “nghĩa vụ” bầu cử.
Đi bầu cử của cử tri không chỉ là phát huy tinh thần, thái độ và trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, mà còn là quyền lợi chính đáng của công dân sống trong một đất nước độc lập, tự chủ, đó là vinh dự và tự hào của mỗi người Việt Nam. Và chỉ có những kẻ đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc mới nghĩ ra kịch bản “tẩy chay bầu cử” để rồi tự chối bỏ quyền lợi thiêng liêng đó./.

GIÓ
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment