VÌ SAO TUYÊN BỐ CHUNG ASEAN CHỈ "QUAN NGẠI SÂU SẮC" VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG?

Những ngày qua Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra ngày 23-26/7 tại Vientiane, Lào. Đây là hội nghị khu vực đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.

Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith (giữa) phát biểu trong phiên toàn thể hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ngày 24/7
Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith (giữa) phát biểu trong phiên toàn thể hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ngày 24/7
Được biết những ngày qua, Ngoại trưởng các nước ASEAN, có mặt tại thủ đô Vientiane, Lào để dự hội nghị thượng đỉnh, đã dành nhiều ngày để thảo luận về cách phản ứng với phán quyết từ Tòa Trọng tài đối với "đường lưỡi bò". Dư luận các nước ASEAN hy vọng rằng, trong tuyên bố chung của ASEAN sẽ đề cập đến phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) về “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông. Vậy nhưng, thực tế trong tuyên bố chung đưa ra ngày 25/7/2016, ASEAN đã không nhắc đến Trung Quốc hay phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò”.

Trong tuyên bố chung, 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhắc lại rằng họ "quan ngại sâu sắc" về "sự cải tạo đất và các hoạt động leo thang", kêu gọi các bên tự kiềm chế ở Biển Đông,AFP đưa tin.Tuyên bố chung ASEAN đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực bên trên Biển Đông; đồng thời tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. 

Đồng thời, Tuyên bố cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Cụ thể trong Tuyên bố chung viết: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, lưu ý đến sự quan ngại của một số ngoại trưởng về hoạt động cải tạo đất và các hoạt động leo thang trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực”.

Việc các vị ngoại trưởng ASEAN không nhắc đến Trung Quốc hay phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò” trong tuyên bố chung cũng là điều đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Được biết, Bắc Kinh công khai cảm ơn Campuchia vì đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp trên biển. Động thái ủng hộ của Phnom Penh đã khiến hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Lào vào cuối tuần qua rơi vào tình trạng căng thẳng. Các quan chức cho biết, hội nghị ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Lào đã trải qua những ngày bế tắc khi Philippines đã đưa ra yêu cầu ASEAN phải ra một tuyên bố chung trong đó đề cập tới việc PCA bác bỏ "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông - một phán quyết mang tính bước ngoặt trong tranh chấp ở Biển Đông, sau khi Campuchia thể hiện thái độ phản đối. 

Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 14/6 tại Côn Minh, Trung Quốc.
Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 14/6 tại Côn Minh, Trung Quốc.
Tuy nhiên, Campuchia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp thay vì đàm phán đa phương với cả khối ASEAN. Hồi tháng 6, Campuchia ra tuyên bố, nói rằng họ không ủng hộ việc Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông và sẽ phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết. Và tại cuộc họp hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhon từ chối bình luận về lập trường của nước này. 

Vậy nên, theo nguyên tắc của ASEAN, quyết định phải đạt được sự đồng thuận, có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết các đề xuất. Theo AP, lần này, Campuchia đã sử dụng quyền phủ quyết của mình. Và để tránh một kịch bản diễn ra như năm 2012, khi Campuchia chủ trì Hội nghị ASEAN chính Campuchia cũng từng ngăn ASEAN đề cập đến tranh chấp Biển Đông, khiến hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên trong 40 năm không đưa ra được tuyên bố chung sau cuộc họp chính của các ngoại trưởng thì việc tuyên bố chung không đề cập đến Trung Quốc hay phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò” cũng là điều dễ hiểu. Và bộ mặt của những kẻ lóa mắt trước hào quang của ảo vọng kim tiền như Campuchia một lần nữa đã thể hiện rõ nét và sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 lần này, ASEAN vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết như vấn đề Biển Đông, sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng ASEAN.

Trần Tuấn
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment