PHÁN QUYẾT CỦA PCA VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM

Như thông tin mà các báo đã đăng tải vào lúc 9 giờ sáng hôm nay 12/7 (giờ quốc tế), Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.Theo đó:
Cái gọi là "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra
Cái gọi là "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra
Thứ nhất : cái gọi là quyền lịch sử và đường 9 đoạn (hay đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vạch ra, tòa đã phán quyết là không có cơ sở pháp lý nào về tuyên bố quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn
Thứ 2: Các quy chế pháp lý về những cấu trúc trên Biển Đông. PCA đã phán quyết rằng các đảo đã được bồi đắp sẽ không còn mang tính chất tự nhiên nữa. Tòa án nhận định tất cả các đảo nhân tạo ở Trường Sa đều không thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Thứ 3: Tòa án tuyên bố một số hành vi của Trung Quốc là trái pháp luật. Theo PCA, những hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough đã vi phạm quyền chủ quyền Philippines.

Và không nằm ngoài dự đoán Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố bác bỏ mọi phán quyết của tòa PCA và nói phán quyết đó không có ảnh hưởng gì tới nước này. Tuy nhiên, là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, đồng thời là một thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII. Theo quy định của UNCLOS, phán quyết của Tòa có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên trong tranh chấp. Việc không thực thi phán quyết được coi là hành vi vi phạm luật quốc tế. Luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng không quy định cơ quan cưỡng chế thi hành phán quyết của Tòa nhưng với những phân tích thấu đáo, giải quyết triệt để các vấn đề nêu ra trong đơn kiện, phán quyết của Tòa là cơ sở pháp lý vững chắc để dư luận tiến bộ trên thế giới lên tiếng tác động và yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết.

Có thể nói đây là một phán quyết có ảnh hưởng tích cực đến các quốc gia đang có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Vậy phán quyết PCA đã ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam?
Về khía cạnh pháp lý Việt Nam sẽ được hưởng lợi ở một số điểm có chung lợi ích với Philippines. Thắng lợi của Philippines khi bác bỏ được “Đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc cũng là một thắng lợi chung của Việt Nam, vì “đường lưỡi bò” bao vòng quanh Biển Đông và cũng chắn cả vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời, giúp làm sáng tỏ và thu hẹp các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia ở Biển Đông, chấm dứt được tình trạng mập mờ dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột và leo thang tranh chấp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc xây 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa không được tòa án công nhận, nên nó không được có vùng EEZ. Điều này cũng làm thu hẹp lại vùng tranh chấp, khiến Trung Quốc không thể mở rộng các tranh chấp hay quyền của họ về mặt pháp lý.

Việc tòa án phán quyết một số hành vi mà Trung Quốc đã tiến hành ở Biển Đông là vi phạm thì nó cũng tạo ra một tiền lệ rất tốt để buộc Bắc Kinh về lâu dài sẽ phải kiềm chế hơn các hành động của mình, không thực hiện các hành động tương tự như đã thực hiện với Việt Nam. Nếu so sánh thì chúng ta thấy các hành động của Trung Quốc với Philippines cũng tương tự với Việt Nam, đều liên quan đến nghề cá, dầu khí, xây dựng đảo nhân tạo, cũng cố tình đâm va trên biển và phá hủy môi trường, làm trầm trọng hóa tranh chấp. Về cơ bản các hành vi của Trung Quốc bị Philippines khởi kiện cũng khá tương đồng với những gì Việt Nam đang phải gánh chịu.

Nếu trong tương lai Việt Nam dự kiến khởi kiện một vụ tương tự với Trung Quốc, thì tòa án chắc chắn không thể ra một phán quyết khác với phán quyết lần này. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu ban đầu là "không phải để giải quyết chủ quyền, mà chỉ nhằm làm rõ một số khía cạnh pháp lý liên quan đến yêu sách vùng biển", nói cách khác tương tự như vụ kiện của Philippines, chỉ liên quan đến thực thi và giải thích UNCLOS ở Biển Đông mà thôi.

Vụ kiện của Philippines sẽ để lại bài học rất quý cho Việt Nam, từ khâu lựa chọn luật sư, tổ chức một vụ kiện, hình thành các yêu cầu khởi kiện, chiến lược pháp lý, chuẩn bị về chiến lược chính trị ngoại giao, vận động dư luận quốc tế về tính chính nghĩa của vụ kiện. Bất kỳ vụ kiện nào có thể xảy ra trong tương lai cũng cần có sự cân nhắc rất thấu đáo của rất nhiều cơ quan, bộ ngành, cân nhắc trên cơ sở lợi ích của Việt Nam trên nhiều phương diện, cân nhắc bối cảnh quan hệ Việt Nam với Trung Quốc. Đồng thời phán quyết của PCA đã mở ra những hướng mới để nhanh chóng giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông vốn đang gặp bế tắc về giải pháp pháp lý.

Nguyễn Duy
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment