QUYỀN LỰC CỦA “NHÀ BÁO”

Ai cũng biết quyền lực của ngòi bút nó lớn thế nào, chả thế mà trong mấy năm qua những người làm báo (cả chính thống và lá cải) đều đã nhận thấy rất rõ cái bút, từng phím gõ, từng thước phim của mình nó quan trọng thế nào với xã hội. Một bài viết đưa ra có thể làm xoay chuyển cục diện của cả một vấn đề vốn tưởng chừng đã an bài đâu vào đó. Chúng ta không thể phủ nhận rằng báo chí đã trở thành một sức mạnh to lớn có thể thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của rất nhiều người trong xã hội, gọi dưới một cái tên ngắn gọn là “định hướng dư luận”. Tuy nhiên, báo chí, với quyền lực to lớn mà nó đang có, lại đang tồn tại những con sâu đang lợi dụng nó để thực hiện những ý đồ xấu, gây ảnh hưởng lớn cho xã hội.

Ba ngày hôm nay, dư luận cả nước đều lên án trước hành vi đánh, hành hung nhà báo Quang Thế (báo Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh) của một số cán bộ chiến sĩ cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh, Hà Nội. Sự việc ban đầu đơn giản là các nhà báo chỉ muốn vào chụp ảnh hiện trường vụ án, nhưng các anh cảnh sát không cho và tặng luôn mấy quả đấm đá vào phóng viên Quang Thế, rồi gạt máy quay của nhà báo đến đập “choạc” một phát xuống dưới đất. Tất cả những hành động ấy đã được máy quay ghi lại và đưa lên trên các báo, mà đặc biệt là báo Tuổi trẻ, vốn đã có bài viết “Làm thế nào để đối phó với công an” đã từng được nhiều người, chủ yếu là những người hay vi phạm luật giao thông và thích chống đối, chia sẻ. Rồi ông Hồ Quang Lợi phó chủ tịch hội nhà báo lên tiếng đòi bảo vệ tự do cho các nhà báo khi tác nghiệp, rồi VTV cũng sồn sồn lên là yêu cầu nọ yêu cầu kia trên chương trình thời sự. Đó là tất cả những gì chúng ta được chứng kiến. trước khi xem đoạn clip sau (Có link ở cuối bài)

Đây là đoạn clip được ghi lại kể từ khi các nhà báo vào tác nghiệp. Các đoạn đối thoại giữa các anh phóng viên và lực lượng chức năng cũng được ghi âm rất rõ ràng, cho chúng ta thấy toàn cảnh của sự việc để xác định ai đúng ai sai.

Sự thật là, khi anh áo xám đội mũ bảo hiểm xanh (sau này được cho biết là dân) cùng với anh công an xã đã cố đưa cậu áo đen (phóng viên) ra khỏi hiện trường một cách nhẹ nhàng nhất, thì ông áo đen kia vẫn cứ sấn sổ vào. Tay thì lăm lăm cái máy quay, khi người ta không cho vào lại giờ thái độ cà khịa. Chưa cần biết anh phóng viên kia đúng hay sai, có phải là phóng viên thật hay không, nhưng việc tự ý và cố chấp xông vào hiện trường như thế là không thể chấp nhận. Bởi khi có trọng án xảy ra, ngoài cơ quan điều tra (công an) và cơ quan tố tụng (viện kiểm sát), không ai, kể cả nhà báo, phóng viên, được phép vào khu vực hiện trường. Trừ khi có những tình huống khẩn cấp như cháy nhà, cấp cứu,... thì các lực lượng khác mới được phép tiếp cận. Nói tóm lại, yêu cầu bảo vệ nguyên hiện trường là yêu cầu cao nhất, có thể quyết định đến kết quả điều tra của cả một vụ án. Sau đó khi đến gần hơn, chúng ta có thể thấy hàng loạt lời gây sự, bắt bẻ anh công an xã đang làm nhiệm vụ, thách thức đưa tin với anh đại úy công an, rồi cố tình “lầy” để vào bằng được hiện trường của phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam. Thậm chí chúng ta còn có thể nghe được việc ông áo đen không xuất trình được thẻ nhà báo. Đến khi anh áo đỏ, người tự xưng là chỉ huy đang tổ chức khảm nghiệm hiện trường, đã cực kỳ bực tức mời các anh phóng viên ra ngoài thì clip mới chấm dứt. Rõ ràng, hành vi của các nhà báo này là sai lầm chồng chất sai lầm, trực tiếp cản trở quá trình điều tra của lực lượng chức năng.

Rõ ràng là, các anh nhà báo mới chính là người cản trở người khác làm việc. Đã là nhà báo, đương nhiên các anh phải biết chừng mực tác nghiệp ở những tình huống cụ thể. Rất nhiều nhà báo, những người đang trong ngành làm công tác khám nghiệm hiện trường đã lên tiếng đả kích hành vi của các nhà báo trên. Cái gọi là tự do báo chí ở đây đã bị lợi dụng quá mức, thậm chí có thể còn được dùng làm công cụ để hạ uy tín, “gài bẫy” lực lượng công an. Xem ra “lời thanh minh” của lãnh đạo công an huyện Đông Anh về việc những anh công an trong clip “vì áp lực điều tra” đã có hành vi như vậy. Đúng là cũng không thể bao biện cho hành vi sử dụng vũ lực với cảnh nhà báo, tuy nhiên với những nhà báo như 2 anh phóng viên trên thì cũng phải công nhận là, áp lực mà các anh công an phải chịu là hoàn toàn có thật. Và nếu người chịu áp lực này mà không phải là công an mà là mấy tên dân anh chị thì không biết hậu quả của các nhà báo kia sẽ là thương tích bao nhiêu phần trăm?

Suy cho cùng, những ai làm sai thì đều phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Nhưng cũng xin dư luận công tâm, đừng bị cái quyền lực mềm kia nó chi phối. Anh công an đánh nhà báo rồi cũng sẽ bị kỷ luật thích đáng, nhưng có mấy ai đặt câu hỏi những anh nhà báo làm sai quy trình và cố tình cản trở công việc của người khác. Đó mới chính là sự bất công, mà là sự bất công đau đớn và nguy hiểm nhất với một xã hội vốn đang “bơi” trong một mớ thông tin hỗn độn và không có chọn lọc. Và cũng mong bộ Thông tin và truyền thông sớm xử lý thích đáng những kẻ kỳ đà cản mũi này, đừng để tạo thành tiền lệ xấu và đừng để những quyền hành kia thống trị xã hội.

SVVN
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment