“MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH” HAY CHỈ LÀ BỘ SƯU TẦM, GHI CHÉP RỜI RẠC CỦA TRẦN VĂN CHÁNH

Những ngày gần đây, chúng ta có thể thấy một số bài viết của các cá nhân, tổ chức trên các trang mạng xã hội để nói lên chính kiến của mình về vấn đề Mỹ sẽ mở trường Đại học mang tên Fullbright tại Khu Công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình hợp tác giáo dục của hai quốc gia Việt Nam và Mỹ và là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận của Mỹ, được tài trợ bằng một quĩ đầu tư do cựu thượng nghị sĩ bang Nebraska là ông Bob Kerrey đứng đầu, được kỳ vọng là sẽ tạo ra những đột phá trong giáo dục đại học ở Việt Nam.

Có thể nói, mỗi cá nhân hay tổ chức đưa ra các quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề này đều phải dựa trên cơ sở khoa học và có cách nhìn biện chứng, phù hợp với điều kiện của nước ta. Nhưng tiếc thay, lợi dụng sự kiện này một số cá nhân, tổ chức lại đưa ra những lập luận hay cách đánh giá theo kiểu mị dân, phi khoa học nhằm xuyên tạc, phủ nhận mà thực chất trong nó là làm “biến tướng” “đổi màu” tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như quá trình nghiên cứu giảng dạy ở các trường trong hệ thống giáo dục nước ta. Một trong những bài viết đó có bài của tác giả Trần Văn Chánh với tựa đề “Ghi chép một số nhận định về việc nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác- Lênin tại Việt Nam”

Với những nội dung trình bày trong bài viết, chúng ta phải dành cho tác giả những lời “khen”, vì tác giả đã “tài tình” bỏ công sưu tầm, lượm lặt, chắp ghép… để hình thành nên “một số nhận định” nhưng đáng tiếc là nó lại hết sức rời rạc. Mục đích chính của những nhận định này không gì khác ngoài lừa bịp, đánh tráo bản chất với cách nhìn phiến diện theo kiểu “mập mờ đánh lận con đen”. Tác giả đã “dày công” sưu tập những câu chuyện ngoài lề, những ý kiến cá nhân và kể cả những sự cố nghề nghiệp của một vài cá thể để rồi quy chụp, ngụy biện, bóp méo…nhằm đánh lừa những người thiếu hiểu biết. Thực chất đây là một sự đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất, giữa những biểu hiện bên ngoài và nội dung bên trong của nó. Vậy thì, ngay từ cái nhìn, ta đã khẳng định nó hoàn toàn đi ngược lại với phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác, thể hiện trình độ non nớt, không hiểu hết về Chủ nghĩa Mác- Lênin.

Nội dung bài viết có đoạn: “Như chúng ta đã biết, bộ môn chủ nghĩa Mác- Lênin vẫn đang tiếp tục được giảng dạy rộng rãi tại tất cả các trường lý luận chính trị dành cho cán bộ các nghành, các cấp cũng như tất cả các trường cao đẳng- đại học dành cho sinh viên thường dân Việt Nam”. Gồm 3 phân môn: Triết học Mác-Lênin, Kinh Tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa Xã hội khoa học. Đây là môn học “điểm danh” vì không cho phép sinh viên vắng mặt. Thậm chí, học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhạc nhã cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc…cũng phải học, mặc dù hầu như không bao giờ có dịp nào vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào nhạc nhã cung đình Huế chẳng hạn ”

Chỉ trong một đoạn văn ngắn nhưng Trần Văn Chánh lại thể hiện đầy rẫy những thông tin bịa đặt, không có thật. Thứ nhất, ở Việt Nam các trường đại học, cao đẳng đều dành cho tất cả các sinh viên có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì sẽ được tuyển sinh và đào tạo theo một chương trình cụ thể, bài bản, không có giới hạn, tiêu chí nào để phân biệt sinh viên “thường dân” với các sinh viên khác. Thứ hai, sinh viên trúng tuyển đúng quy định và đào tạo theo chương trình cụ thể thì môn nào cũng quan trọng và đều được “điểm danh” chứ không phải chỉ có môn chủ nghĩa Mác-Lênin mới điểm danh. Tuy nhiên, đây là môn học vô cùng quan trọng nhằm để trang bị thế giới quan, phương pháp luận Mác – Lênin trong điều kiện Việt Nam đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa là tất yếu không phải bàn cãi.

Thứ ba, tác giả nhận định: “Sinh viên các chuyên ngành nhạc nhã cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc…cũng phải học, mặc dù hầu như không bao giờ có dịp nào vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào nhạc nhã cung đình Huế chẳng hạn”. Đây là một “nhận định” hết sức ngớ ngẩn, thể hiện trình độ dốt nát, không hiểu gì về Chủ nghĩa Mác-Lênin hay nói chính xác hơn là không hiểu biết gì về văn hóa xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì như chúng ta đã biết, tất cả các yếu tố kể trên là những yếu tố cấu thành môi trường văn hóa của con người Việt Nam. Nói đến môi trường văn hóa là nói đến những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người, tác động đến con người để phát triển toàn diện. Vậy, thử hỏi nếu chúng ta xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mà không có lý luận Mác-Lênin soi đường thì hóa ra ta đang xây dựng thứ văn hóa vô định hay ngoại lai? Có thể khẳng định rằng: Một con người sinh ra không biết văn hóa dân tộc mình thì chẳng khác nào là đứa con hoang, khó dạy, không biết ông bà, cha mẹ, quê hương, đất nước mình là ai, thì làm sao có đủ tư cách để bàn về giáo dục.

Chúng ta biết rằng, học thuyết Mác - Lênin với bản chất cách mạng và khoa học đã trang bị cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vũ khí tư tưởng, lý luận sắc bén để đấu tranh vì mục tiêu cao cả của nhân loại là xóa bỏ chế độ thống trị của giai cấp tư sản, tiến lên xây dựng một xã hội mới không còn áp bức, bóc lột, bất công. Đó là xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa. Vì vậy, giai cấp tư sản không bao giờ đi chung con đường mà C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I. Lênin đã vạch ra cho nhân loại. Bởi vậy, họ đã tìm mọi cách để lôi kéo những phần tử chống đối, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, làm tay sai và chính tác giả Trần Văn Chánh là một trong những nhân vật điển hình.

Ở Việt Nam, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin đã thể hiện trong toàn bộ tiến trình vận động và phát triển của cách mạng từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có công truyền bá và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, Người đã cùng Đảng ta luôn giữ vững sự trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin luôn tràn đầy sức sống hiện thực trên đất nước Việt Nam thân yêu. Thực tiễn trong hơn 86 năm qua đã chứng minh, đặc biệt những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước trong 30 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, càng củng cố vững chắc niềm tin, niềm tự hào của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.

NGUYÊN DƯƠNG
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment