Hà Nội: Nếu cấm, sẽ cấm tất, chứ không chỉ xe máy ngoại tỉnh!

Lãnh đạo Sở GTVT TP.Hà Nội đã khẳng định như vậy khi được hỏi về đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh đang gây xôn xao dư luận. Nhưng ông cũng cho biết, đây không phải là đề xuất chính thức của sở, mà mới chỉ là ý kiến của bên tư vấn trong dự thảo sơ bộ ban đầu.

Tắc nghiêm trọng ở đường Phan Trọng Tuệ (Hoàng Mai, Hà Nội) sáng 20.9. Ảnh: ĐÀO NGỌC CƯƠNG
Cấm xe ngoại tỉnh, đề xuất gây bão

Ngày 19.9, ngay sau khi bị “lộ” trên báo giới, đề án có tên “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chắp bút và Sở GTVT gửi đi cho các chuyên gia đã gây xôn xao dư luận. Dù đề cập tới rất nhiều nội dung cùng giải pháp nhưng ý kiến đề xuất dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô theo lộ trình được nhắc tới nhiều nhất và tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trong đề án, lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô theo 3 giai đoạn trong đó từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần, từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2 đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...) và đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Lộ trình này không chỉ vấp phải sự phản đối của nhiều người dân mà còn bị các chuyên gia phản biện cả về tính khả thi lẫn sự vi hiến khi ngăn cản sự tự do chọn phương tiện di chuyển của người dân.

Trao đổi với báo Lao Động, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nếu cấm phải có phương tiện thay thế cho người dân và phương tiện đó phải được người dân chấp nhận và trước khi cấm nhưng phải xem mức độ ảnh hưởng của việc này với người dân. Riêng việc cấm xe ngoại tỉnh, chuyên gia giao thông nhận định là không thể được và cho rằng đó là giải pháp manh mún, không thực tế đồng thời cho rằng “làm gì thì làm cũng phải nghĩ tới quyền đi lại của người dân, đừng lấy mục tiêu chống ùn tắc để quên đi nghĩa vụ cao nhất là phục vụ nhân dân”.

Theo ông Thủy, không nên cấm xe máy như đề án đưa ra, cứ phát triển phương tiện công cộng trước, người dân sẽ tự điều chỉnh thói quen đi lại khi tham gia giao thông công cộng thuận tiện.

Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đặt câu hỏi đến khi cấm phương tiện cá nhân, người dân di chuyển bằng phương tiện gì?

Còn chia sẻ với báo Lao Động, nhiều độc giả và người dân nhận định đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh là ý kiến ngược đời, mang tính phân biệt vùng miền, không khả thi. Nhiều người còn dự đoán sẽ sớm xảy ra hiện tượng mua biển số Hà Nội để đối phó với phương án này.

Bị phản đối, sở lẫn viện lên tiếng phân bua

Trước bão dư luận, chiều 20.9, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Huy Quang lên tiếng về đề án này nhưng khẳng định đây chưa phải là đề xuất chính thức mà mới đang trong giai đoạn “thai nghén” trong đó đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh chỉ là ý kiến của bên tư vấn là Viện Chiến lược và Phát triển GTVT. Theo ông Quang, quan điểm của sở đã là phương tiện cá nhân thì không phân biệt biển ngoại tỉnh hay Hà Nội nên nếu đã cấm là cấm triệt để tất cả các xe máy và mới đây thành phố đã triển khai 12 tuyến phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt xe của địa phương hay tỉnh ngoài.

Về câu chuyện này, ông Lê Đỗ Mười - Viện phó Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng đây mới chỉ là một ý nhỏ trong nhiều đề xuất để chuẩn bị cho hội thảo về vấn đề này trước khi xây đề án chính thức. Theo ông Mười, hiện nay có rất nhiều ý kiến phản hồi và căn cứ vào nhu cầu thực tế, ban lập đề án điều chỉnh để thời gian thực hiện đề án sẽ kéo dài tới năm 2030, tức là từ 2025 - 2030 mới tiến hành hạn chế phương tiện.

Liên quan tới đề xuất hạn chế xe ngoại tỉnh, ông Mười lý giải đối tượng sử dụng xe ngoại tỉnh thường là học sinh, sinh viên, những người lao động ở các khu công nghiệp. “Qua khảo sát, phần lớn những người dùng xe máy biển ngoại tỉnh là những đối tượng đó và họ có tuyến đi cố định không có chuyến đi phát sinh phụ và với những người đó nhu cầu đi lại nó theo lộ trình, được lặp đi lặp lại chỉ có thế nên khi vận tải công cộng đáp ứng tốt, đối tượng đó khuyến cáo nên đi phương tiện công cộng thì hạn chế các đối tượng đó”.

Nguồn: Khánh Hòa - Thắng Giang - http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ha-noi-neu-cam-se-cam-tat-chu-khong-chi-xe-may-ngoai-tinh-593942.bld
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment