Vinalines đề xuất bán “ụ nổi 83M 9 triệu USD” với giá… 34,8 tỷ đồng



Ụ nổi 83M đang gây mất an toàn hàng hải khu vực cảng Gò Dầu B, Đồng Nai.

Ụ nổi 83M được mua về với giá 9 triệu USD nhưng Vinalines đề xuất bán đấu giá nguyên trạng với mức giá khởi điểm 34,8 tỷ đồng.
Truyền thông trong nước đưa tin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải được bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines với mức giá 34,8 tỷ đồng.
Vinalines cho biết, cần sớm bán ụ nổi 83M để thu hồi một phần vốn đã đầu tư, tránh nguy cơ mất an toàn neo đậu, giảm thiệt hại cho Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines.

Ụ nổi 83M tai tiếng của Vinalines

Ụ nổi 83M được Vinalines đầu tư từ năm 2008, hiện đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong. Ụ này bị đăng kiểm rút giấy phép từ tháng 1/2011, hết hạn bảo hiểm từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ 24/06/2011. Đây cũng chính là vật chứng trong “vụ án Dương Chí Dũng”.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, kiểm tra thực tế thấy ụ nổi 83M đã cũ, han rỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu, giá ụ nổi dưới 5 triệu USD nhưng Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) và Mai Văn Phúc (nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên tổng giám đốc Vinalines) vẫn chỉ đạo Trần Hữu Chiều (nguyên phó TGĐ Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên TGĐ công ty TNHH sửa chữa tài biển Vinalines), Mai Văn Khang (nguyên phó TGĐ công ty TNHH một thành viên Viễn Dương Vinashin), phải hợp thức thủ tục để ký hợp đồng mua ụ nổi 83M qua Công ty AP với giá 9 triệu USD. Số tiền chênh lệch 4 triệu USD đã được ‘liên minh’ của Dương Chí Dũng chia chác nhau phần “lại quả”, thông tin trên báo Người Đưa Tin.
Sau khi Dương Chí Dũng bị bắt, về phương án xử lý ụ nổi này, đã đi đến thống nhất để Tổng Công ty Hàng hải bán để thu hồi vốn. Tuy nhiên, vì ụ nổi 83M là tang vật trong vụ án nên phải chờ phán quyết của tòa xong mới có thể bán.
Để bảo quản ụ nổi 83M, Tổng Công ty Hàng hải VN phải ký hai hợp đồng là hợp đồng neo đậu và hợp đồng trực sự cố xảy ra. Hai hợp đồng này đã tiêu tốn của của Vinalines trên dưới 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Tính cả chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố… từ thời điểm bàn giao đến thời điểm 31/12/2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M là hơn 500 tỷ đồng.


Chi phí cho ụ nổi này tính đến nay đã lên tới 500 tỷ đồng.

Ngày 25/11/2015, Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines đã ký hợp đồng tư vấn với công ty CP Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam về việc thẩm định giá nguyên trạng ụ nổi 83M. Giá trị ụ nổi 83M xác định theo phương pháp chi phí là 34,8 tỷ đồng.

Ụ nổi 83M như đống sắt trên sông, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa an toàn hàng hải cảng Gò Dầu B

Ụ nổi 83M hiện nay là một đống sắt thép rỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không sử dụng được vào việc gì.
Do ụ nổi bị bỏ hoang, thiếu người trông coi, dây neo bị mục, dễ dẫn đến đứt dây neo và trôi dạt, nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải rất lớn.
Nơi ụ nổi 83M đang neo đậu nằm sát bến tàu, khiến cảng không thể khai thác được vùng nước và đảm bảo an toàn hàng hải. Trong thời gian neo đậu ở khu vực này, ụ nổi từng xê dịch khỏi vị trí, đụng hư hỏng trụ neo bến B3 của cảng Gò Dầu B, gây nguy hiểm đối với tàu bè ra vào cảng.

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

2 comments :

  1. Cái ụ nổi đó là hàng phế thải chúng ta mua về với giá cắt cổ để sinh ra cái vụ "tai tiếng" đó giờ bảo bán với giá được được để thu hồi vốn thì có mà bán bằng mắt. Thôi 34,8 tỉ rồi trừ tất tần tật các chi phí giờ còn 10 tỉ thu về là tốt lắm rồi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi sợ là chưa quá 10 tỉ ấy chứ. Rồi sẽ đưa vào việc mua cái ụ nổi khác để làm chìm cái chuyện này đi. Đúng là không nhắc thì thôi chứ nhắc lại nghe cũng điên tiết thiệt.

      Delete