BẢO THỦ Ư? "THÂN MỸ"Ư? TÀO LAO!

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII đã kết thúc rất tốt đẹp. Nhân dân Việt Nam đón mừng một mùa xuân mới, mùa xuân thứ 30 của công cuộc đổi mới, mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII với mục tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ này là đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đất nước, nhân dân ta đang vui mừng vì thành công Đại hội, vì mùa xuân mới đang về nơi nơi, nhưng với một số cái “loa rè” của các trung tâm phá hoại tư tưởng bên ngoài, hoạt động phá hoại của chúng không dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị và diễn ra Đại hội, mà chúng vẫn luôn tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta ngay sau khi Đại hội đã kết thúc.

Một trong những luận điệu tuyên truyền bôi nhọ, vu cáo thường được một số đài, báo có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam (RFI, VOA, RFA), các tổ chức phản động lưu vong và phần tử cơ hội chính trị nêu ra là về vấn đề nhân sự. Đại hội XII kết thúc, chúng “phân tích” về thành phần Ban chấp hành Trung ương khóa XII, rồi thêu dệt nên nào là: Miền Bắc “thắng thế”, trong Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, miền Bắc chiếm tới 70%, ủy viên quân đội, công an đa số ngoài Bắc, bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng chủ yếu miền Bắc và miền Trung... Từ đó chúng dựng lên cái chuyện ban lãnh đạo của Đảng khóa XII đã nghiêng về “phe bảo thủ”, còn “phái thân Mỹ” không còn mạnh (!). Toàn là những nhận xét lố bịch, luận điệu tào lao.

Trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội XII, trước câu hỏi của một phóng viên hải ngoại về vấn đề đường lối của Việt Nam có cởi mở hơn, có nghiêng về bên này hay bên kia trong quan hệ quốc tế hay không, tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nói ngắn gọn: “Tôi tin tưởng rằng ban lãnh đạo Việt Nam sẽ ngày càng đổi mới hơn”. Rõ ràng là vậy, bởi sự nghiệp đổi mới đã trải qua 30 năm, với 6 kỳ Đại hội Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực thay đổi liên tục, diễn biến khó lường, xuất hiện nhiều thời cơ mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Đặc biệt, vài năm gần đây khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào các tổ chức khu vực, các hiệp định thương mại, thì yêu cầu tất yếu là phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa. Với sự sáng suốt và tài lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm bắt được xu thế phát triển của nhân loại, tình hình cụ thể trong nước để đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tham gia vào hiệp định TPP và nhiều thỏa ước thương mại khác.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vì quyền lợi quốc gia, dân tộc, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân
Dù đồng chí nào được Đại hội tín nhiệm bầu là ủy viên Trung ương Đảng, hay được Trung ương khóa XII bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thì đều là những đảng viên ưu tú, và đã giữ cương vị lãnh đạo thì sẽ đặt quyền lợi của dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên hàng đầu. Đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại là mục tiêu chung, đường lối xuyên suốt của toàn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Mỗi chính sách cụ thể được bàn bạc trong Trung ương, Bộ Chính trị cũng đều vì mục tiêu đó, vì Tổ quốc Việt Nam này cả, làm gì có “bảo thủ” với “không bảo thủ”, “thân” nước này hay “thân” nước kia (?)

Rõ nét nhất là, khi một đồng chí lãnh đạo chủ chốt khóa XII được một số giới thiệu đã xin rút và được Đại hội cho rút, một đồng chí khác ở lại giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, mấy tay chống Cộng la làng lên về cái gọi là “cạnh tranh”, “đấu đá” rồi thì “giáo điều”, “xa rời phương Tây” blah blah. Có một số điều chúng quên - hay là cố tình quên:

Đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng - trường hợp quá tuổi được Bộ Chính trị giới thiệu tiếp tục giữ cương vị nhiệm kỳ khóa XII, trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, chính đồng chí là nhà lý luận ủng hộ nhiệt thành nhất cho việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính đồng chí là người đã nêu ra những hạn chế mang tính “tả khuynh”, “giáo điều” trong nhận thức của giai đoạn trước năm 1986, trong đó có việc phủ nhận những thành tựu của chủ nghĩa tư bản, trong đó có nền kinh tế thị trường. Chính đồng chí, trong giai đoạn làm Chủ tịch Quốc hội, đã là người có đóng góp rất tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đảm bảo dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chính đồng chí đã lãnh đạo việc thảo luận một cách dân chủ mọi vấn đề trong Đại hội Đảng, trong các Hội nghị Trung ương Đảng, tạo nên không khí cởi mở, sôi nổi, đảm bảo đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thiểu số phục tùng đa số trong sinh hoạt Đảng.

Về hội nhập quốc tế và quan hệ đối ngoại với các nước lớn, chính đồng chí là người nhiệt thành ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP, cùng với Trung ương Đảng kiểm tra quá trình đàm phán, ký kết của đoàn đàm phán Chính phủ, đưa vấn đề ký kết TPP là nội dung chính bàn thảo ở Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII). Những kẻ chống đối vu cáo rằng đồng chí là người “thân” với một nước láng giềng lớn. Nhưng bọn chúng không nhớ rằng, khi vừa đắc cử chức vụ lãnh đạo Đảng ở khóa XI, nước đầu tiên đồng chí đến thăm là Lào. Và đồng chí cũng là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ - một chuyến thăm mang lại kết quả rất tốt đẹp và nâng cao uy tín, vị thế của Đảng ta trên trường quốc tế (nên nhớ rằng, xét về nghi thức ngoại giao, Tổng thống Mỹ chỉ tiếp tại Nhà Trắng với Tổng thống/Chủ tịch và Thủ tướng các nước. Với một số quốc gia như Trung Quốc, Lào, Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch Nước. Với chuyến thăm này, chỉ trong vài năm ông Obama đã đón tiếp hai lần Chủ tịch nước và người đứng đầu Đảng của Việt Nam). Đồng chí là người hoàn toàn ủng hộ cho mối quan hệ đa phương của Việt Nam.

Còn đối với đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã xin thôi không tham gia Trung ương khóa XII, tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo: Những kẻ đặt điều cho rằng đồng chí đó “thân phương Tây”, rồi cương quyết trong vấn đề Biển Đông hơn. Xin thưa, đồng chí lãnh đạo nào cũng đều mong muốn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chỉ là có điều kiện bộc lộ nó nhiều hơn ở các diễn đàn công khai hay không mà thôi. Không chỉ vậy, nên nhớ rằng, đồng chí ấy tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, đã cầm súng chiến đấu chống đế quốc giành độc lập thống nhất cho dân tộc, 4 lần bị thương, là thương binh hạng 2/4, cả gia đình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nhiều người thân (bao gồm cả người cha) hy sinh trong kháng chiến, vì vậy nói đồng chí nghiêng về nước này nước kia thật là luận điệu đặt điều, vớ vẩn!

Tóm lại, chính những kẻ đặt điều chống phá Đảng là những thành phần chỉ mong Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Việt Nam, chẳng có ý đồ tốt đẹp gì đối với dân tộc Việt. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam - mà cơ quan lãnh đạo cao nhất là Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn là tập thể đoàn kết, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, vì quyền lợi của đất nước và nhân dân. Dù ai giữ cương vị lãnh đạo thì cũng vì dân, vì nước, chẳng tồn tại cái thứ gọi là “bảo thủ” hay “thân Mỹ” gì cả. Tào lao!


Nguyễn Duy
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment