BÌNH LUẬN HẬU KỶ LUẬT ÔNG ĐINH LA THĂNG

Sáng 7/5, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng đã đọc tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Sau đó, ông Đinh La Thăng trình bày những vấn đề về khuyết điểm của mình. 

Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.

Sau thông cáo báo chí của Đảng, dư luận đã đảo chiều từ bi quan sang lạc quan, lấn át những bình luận kiểu chia rẻ, thọc gậy bánh xe của truyền thông phương Tây và lề trái. Cũng là đúng quy luật thôi.

Thịnh suy của mỗi triều đại, mỗi thiết chế không phải vì thiếu đường lối chính trị, thiếu luật pháp, thiếu lực lượng mà chủ yếu là do vương triều, chính thể mà trực tiếp là bộ máy của nó suy thoái, tư lợi, xa rời lợi ích của nhân dân.

Những "nguy cơ" làm suy thoái Đảng, Nhà nước Việt Nam đã được nhận diện từ hàng chục năm trước song nó vẫn không bị ngăn chặn, thu hẹp, triệt tiêu mà thậm chí còn trầm trọng thêm qua ít nhất là 2 kỳ Đại hội Đảng gần đây. Bây giờ mới thấy những chuyển động mạnh mẽ.

Xã hội nào cũng có mặt trái của nó, hùng cường như Mỹ cũng có những khuyết tật mà chỉ một kỳ bầu cử Tổng thống thôi cũng bộc lộ những vết đen chí tử. Tổng thống Hàn quốc được bầu bằng phổ thông đầu phiếu rồi cũng gục ngã sau 2 năm cầm quyền với cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Nhiều chính khách của nhà nước hiện đại không cứ gì là tư sản hay cộng sản đã dính vòng lao lý hoặc từ chức. Đó là căn bệnh Nhà nước.

Nói cái đó không phải để biện minh cho cái xấu mà là để chúng ta hiểu rằng, căn bệnh quyền lực của nhà nước chưa bao giờ được chữa khỏi, gột sạch tuyệt đối cả. Chỉ có khi nào, thời nào luật pháp nghiêm minh, dân trí phát triển, lãnh tụ anh minh thì căn bệnh đó bị khống chế ở mức thấp, thế thôi.

Quy luật của sự phát triển xã hội là loại trừ cái xấu, hướng tới những cái tốt đẹp, quan trọng là làm thế nào rút ngắn thời gian để đạt được những điều đó mà thôi. Một trong những nhân tố quan trọng để một dân tộc cất cánh là nhân tài. Càng ở bậc cao trong thang bậc quyền lực càng cần phải có nhân tài kiệt suất.

Kể từ Đại hội XII chống tiêu cực, tham nhũng mới có diện mạo mới. Cách chống bài bản hơn, hiệu quả hơn. Người đứng đầu của Đảng đã tỏ rõ bản lĩnh, quyết tâm tuyên chiến và dẹp bỏ nạn tham nhũng, cán bộ tha hóa biến chất, bóc gỡ những nhóm lơi ích, chấn chỉnh công tác cán bộ... làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy.

Mới hơn một năm nhưng với sự quyết tâm và lời hứa danh dự, Đảng, chính phủ đã và đang quyết liệt giải quyết các vấn đề suy thoái, tiêu cực, tham nhũng tuy chưa đáp ứng những kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân nhưng chúng ta thấy có sự thay đổi rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, cán bộ.

Ông Đinh La Thăng chỉ là gương mặt đại diện cho bộ phận không hề nhỏ trong Đảng từ trung ương đến cơ sở. Nhìn lại, sự thoái hoá của một số cán bộ Đảng viên không chỉ trong nhiệm kỳ khoá 11, khoá 12 mà là khởi nguồn từ khoá 8, khoá 9 và trầm trọng nhất là khóa 10, 11.

Từ đại hội khoá 8, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã thấy được vấn đề và ra Nghị quyết Trung ương 6 (2) chống tiêu cực, tham nhũng, thành lập Ban chỉ đâọ Trung ương về chống tiêu cực, tham nhũng. Vậy nhưng, đến giữa khoá 9, lại bỏ Ban chỉ đạo này và giao quyền trực tiếp cho Tổng bí thư.

Sau Đại hội 12, một số ban của đảng được tái lập, trong đó có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Trung ương ra nghị quyết 4 khóa 12 về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Những vụ việc sai phạm có nguồn gốc từ khoá 9, 10, 11 từng bước được phanh phui.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12, như Tổng Bí thư nói suy thoái, tiêu cực, tham nhũng đang “uy hiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, uy hiếp đến xã hội chủ nghĩa". Vì thế, Đảng không còn cách nào khác ngoài bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12.

Thực ra, triển khai thực hiện nghị quyết này là rất khó khăn. Ban đầu dư luận hồ nghi và cho rằng rồi cũng chỉ là chiếu lệ như những nghị quyết khác thôi. Bệnh đã thành ung thư rồi chống sao nổi, dựa vào đâu mà chống. Nhưng rồi, lần lượt những nhân vật "tai to mặt lớn" dần bị "lộ sáng".

Bài bản mà vị Tổng Bí thư khai thông, chọc thủng "phòng tuyến" trì trệ là dùng kỉ luật đảng và tính công khai, minh bạch trong kỷ luật đảng. Cùng với đó là trực tiếp chỉ đạo Đảng ủy Công an Trung ương.

Để điều tra theo luật định một ai đó thì cần phải có căn cứ vi phạm, có phê chuẩn của VKS, có khởi tố rồi mới điều tra. Nhưng với kỷ luật Đảng thì công tác kiểm tra, giám sát là thường xuyên, có dấu hiệu vi phạm là kiểm tra, chưa có dấu hiệu vi phạm cũng có thể kiểm tra. Khi kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra.

Trong một bộ máy mà mọi vị trí lãnh đạo, chỉ đạo hầu hết là đảng viên của Đảng thì quyết tâm của vị "nhạc trưởng" không ai có thể cấm cản. Hơn thế nữa, thực hiện tính công khai, minh bạch kết quả kiểm tra sẽ tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận, của nhân dân. Việc của Đảng cũng là việc của dân. Nhân dân ủng hộ thì chẳng có thế lực nào thắng được.

Sẽ là hồng phúc cho dân tộc khi có một lãnh tụ anh minh. Vậy nên, chúng ta hãy tin và ủng hộ để công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng thành công.

Đồng thời, cảnh giác với những luận điệu "đấu đá nội bộ", "thanh trừng nhóm lợi ích", "thí tốt cứu xe"... Những luận điệu đó chỉ nhằm hạ bệ những người kiên trung đấu tranh chống tham nhũng mà thôi.
 
GIA HÂN
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment