Tham nhũng 2.000 tỷ, tự nguyện khắc phục 5 tỷ; 50% số vụ buôn lậu có bóng dáng Hải quan


Ảnh minh họa về nạn tham nhũng. (Nguồn: satesaigonbiemhoa.blogspot.com)

Nhiều thông tin về tham nhũng, lãng phí cũng như thực tiễn tiến hành phòng chống tham nhũng đã được đưa ra tại “Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016” tổ chức vào chiều ngày 8/3 tại TP.HCM.

Kiểm tra 1.841 đảng viên, chỉ 19 người bị kỷ luật vì liên quan đến tham nhũng, lãng phí

Trong năm 2015, TP.HCM đã thực hiện minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức tại hơn 100 cơ quan, đơn vị.
Tính đến nay, đối với nhân sự thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý chưa có trường hợp phải xử lý.
Qua thực hiện kiểm tra đối với 2.471 tổ chức đảng và 1.841 đảng viên; giám sát chuyên đề 1.760 tổ chức đảng và 1.690 đảng viên liên quan đến tham nhũng, lãng phí, chỉ có 19 đảng viên vi phạm bị phát hiện và kỷ luật.
Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 338 tổ chức đảng cấp dưới và 582 đảng viên, thi hành kỷ luật 55 đảng viên; đã kết luận có 236 tổ chức đảng, 428 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.

Tham nhũng 2.000 tỷ, tự nguyện khắc phục… 5 tỷ

Hơn 2.000 tỷ đồng là tổng số tiền thiệt hại trong 4 vụ án lớn mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý thiệt hại – ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cho biết về tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng tại hội nghị.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Hải cho hay trong tổng số 2.000 tỷ đồng thiệt hại nói trên, chỉ thu hồi được hơn 5 tỷ đồng do các bị cáo tự nguyện khắc phục. Cơ quan điều tra thu hồi 650 triệu đồng và kê biên một căn nhà. Số tiền còn lại chưa thu hồi được.
Trong số 4 vụ án, gây thiệt hại lớn nhất là vụ án Lê Thành Công và Dương Thanh Cường cùng đồng phạm lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… tại ngân hàng Agribank Chi nhánh 6. Tổng thiệt hại là trên 966 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2015, tổng số tiền tham nhũng thu hồi nộp ngân sách Nhà nước là hơn 147 tỷ đồng; 18/24 vụ án được giải quyết  và 42/101 bị can bị xử lý.
Liên quan đến tội tham nhũng, trong một năm qua, Tòa án cấp TP đã tiến hành truy tố 21 vụ với 60 bị can; tòa án nhân dân cấp TP và quận, huyện đã xét xử 25 vụ án với 105 bị cáo.

‘Một số giải pháp chống tham nhũng hiện nay là ảo’

Đây là nhìn nhận của ông Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM tại hội nghị về phòng, chống tham nhũng.
Ông Minh đánh giá những giải pháp hiện nay chưa đủ ngăn ngừa tham nhũng, trong đó có một số giải pháp được đưa vào Luật phòng chống tham nhũng, nghị định của Chính phủ, thậm chí chương trình quốc gia phòng chống tham nhũng nhưng vẫn không có hiệu quả thực tiễn.
Cụ thể là việc kê khai tài sản rất hình thức và ảo”, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Minh.
Có hơn 1/3 biên chế của công an TP phải kê khai tài sản. Nhưng kê khai xong là đút vào ngăn tủ cất, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết – ông Minh dẫn ví dụ.
Ông Minh cho rằng, trong việc kê khai tài sản của cán bộ hàng năm, cấp quản lý phải có kết luận cụ thể và nếu cần thì phải yêu cầu bổ sung nguồn gốc, thu nhập những tài sản thay đổi bất hợp lý; thậm chí phải có chế tài, xử lý nếu có sai phạm. Việc kê khai tài sản phải đảm bảo là dữ liệu để xử lý trong công tác phòng chống tham nhũng. Còn kê khai xong đút vô ngăn kéo, có hợp lý không, đúng không thì không ai biết.
Quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo ở phường xã là một trong 5 lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao nhất trong thời gian tới, theo nhận định của Phó Giám đốc Công an TP.HCM. (Tranh: satesaigonbiemhoa.blogspot.com)
Quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo ở phường xã là một trong 5 lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao nhất trong thời gian tới, theo nhận định của Phó Giám đốc Công an TP.HCM.
Ngoài ra, ông Minh đánh giá công tác phát hiện tham nhũng chậm, dẫn đến hệ quả là thu hồi tài sản rất thấp do đã bị tẩu tán trước đó. Có những hành vi xảy ra 3 năm, có khi 5, 10 năm rồi mới được phát hiện.
Việc xử lý án tham nhũng hiện nay cũng rất chậm. Ông Minh cho hay, trong các loại án bị trả điều tra bổ sung thì án tham nhũng đứng đầu. Thậm chí có vụ án bị điều tra bổ sung đến 3 – 4 lần, tỷ lệ hủy cũng nhiều. Theo ông Minh, sở dĩ có tình trạng này vì nhân viên xử lý vụ án thận trọng đối với vụ án tham nhũng.
Ngoài ra, TP còn vướng thêm cơ chế ủy quyền công tố. Tức là Trung ương phát hiện tham nhũng, lập án xong đưa về TP xử lý. Trong khi hồ sơ vụ án vài trăm nghìn trang mà thời gian nghiên cứu án chỉ trong vòng 2 tháng..v.v.., theo Báo Giao thông đưa tin.

50% số vụ buôn lậu có bóng dáng Hải quan

Ông Phan Anh Minh cũng chỉ ra 5 lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao nhất trong thời gian tới gồm: xuất nhập khẩu, ngân hàng, đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án và quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo ở phường xã.
Trong đó, lĩnh vực xuất nhập khẩu liên quan đến cán bộ Hải quan có khả năng tham nhũng nhiều nhất khi 50% số vụ án buôn lậu phát hiện tại TP.HCM đều có bóng dáng của nhân viên Hải quan đằng sau – ông Minh cho hay.
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment