PHONG TRÀO TỰ ỨNG CỬ VÀO QUỐC HỘI - ĐÁNG LO HAY ĐÁNG MỪNG?

Gần đây trong dư luận xôn xao về hiện tượng có rất nhiều “ nhân vật” tự ứng cử vào quốc hội Việt Nam trong Đại hội đại biểu lần thứ 12 vừa qua. Thực hư của vấn đề này thế nào? Liệu có phải tất cả đều đang thực sự minh bạch, vô tư và khách quan trong việc thực hiện quyền tự ứng cử và bầu cử của nhân dân theo quy định tại điều 27 Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Hay ẩn sau tấm rèm che phủ đó là những mưu toan vụ lợi, phi chính nghĩa và gây tổn hại đặc biệt cho chế độ nước nhà.

Theo điều 27 Hiến pháp nước ta quy định: Công dân đủ mười tám tuổi có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền tự ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định. Việc quy định cụ thể trong Hiến Pháp như vậy chứng tỏ một điều rằng nước ta rất hoan nghênh và ủng hộ việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của nhân dân vì mọi nỗ lực mà chúng ta đang thực hiện là để mang lại một cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, đảm bảo dân chủ, công bằng và văn minh. Người dân được quyền thể hiện chính kiến của mình trước công luận cũng như được đóng góp sức mình vào xây dựng mọi công việc của quốc gia vì không ai khác chính nhân dân là chủ nhân của một đất nước. Nhà nước ta coi trọng nhưng không có nghĩa là để cho việc tự ứng cử được diễn ra tràn lan, thiếu minh bạch và thậm chí có cả sự lợi dụng với những mưu đồ chính trị trong đó.


Nghệ sỹ Nguyễn Công Vượng tham gia ứng cử Quốc hội. Ảnh: Internet

Trong thời gian vừa qua sự xuất hiện của những cái tên như Nguyễn Quang A, Vượng Râu, Võ An Đô… cùng nhiều nhân vật khác nữa thực sự nổi lên là một hiện tượng gây hoang mang trong dư luận xã hội. Việc tự ứng cử của những đối tượng này là một điều bất bình thường vì đi cùng với nó là hàng loạt những vấn đề chính trị phức tạp, những phát ngôn và những sự việc rùm beng thể hiện sự coi thường và bôi nhọ chế độ.

Nghệ sỹ hài Vượng Râu từ trước vẫn được biết đến với những hình ảnh chân chất trong các vai diễn gây hài cho khán giả, là một sự lựa chọn khi tìm đến những phút giây giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng của nhiều người. Sau một vài năm vắng bóng, Vượng Râu quay lại với việc tự ứng cử vào Quốc hội và những phát ngôn gây sốc như sẽ làm thay đổi nền văn hóa giáo dục của Việt Nam chỉ sau 3 năm cùng thái độ coi thường những công việc chính trị, văn thể mỹ mà chính quyền nhân dân các cấp đang thực hiện. Vượng luôn tự nhận mình là một cây hài đất Bắc lừng danh không một sân

khấu nào vắng mặt Vượng mà lại có cát xê cao, rằng Vượng đi đến đâu khán giả vỗ tay ủng hộ đến đó. Nhưng sự thật là rất ít người chọn mua đĩa hài của Vượng trong vài năm gần đây có lẽ do sự nhàm chán vì Vượng không đầu tư thay đổi làm mới mình mà chỉ ba hoa khoác lác.

Vắng bóng một thời gian không dài, Vượng trở lại bằng việc tự ứng cử như một điều kì lạ. Bởi lẽ đằng sau đó là một mưu đồ chính trị mà các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã cố ý giăng ra tập trung vào giới văn nghệ sỹ- thành phần được công chúng quan tâm nhiều nhằm gây sự chú ý, che mắt những người còn bàng quan về chính trị để tạo nên làn sóng gây bất bình trong quần chúng nhân dân nếu quốc hội ta không đồng ý cho Vượng ứng cử. Việc Vượng râu ứng cử vào quốc hội không khác gì một con bài mà các thế lực phản động đưa ra nhằm gây náo loạn, hoang mang, chia rẽ trong quần chúng và trong nội bộ của chính phủ nước ta trước thềm Đại hội đại biểu 12 năm 2016- một thời điểm vô cùng nhạy cảm. Chúng muốn tìm cách bôi nhọ chế độ và các quy định của đất nước ta, làm cho nhân dân và các nước hiểu sai về chính sách của ta, cho rằng Việt Nam là một nước nói được mà không làm được, không công bằng trong việc tự ứng cử. Nhưng ngược lại nếu ta để cho chúng ứng cử thành công vào quốc hội nước ta thì không biết những hệ lụy nghiêm trọng nào sẽ xảy ra???

Đó là trường hợp của Vượng râu, ngoài ra còn cái tên: Luật sư Võ An Đôn, người luật sư vẫn được mệnh danh là luật sư bảo vệ lẽ phải cho những người dân nghèo. Đôn đã từng bào chữa cho vụ việc anh Ngô Thanh Kiều bị 5 công an dùng nhục hình đã dẫn đến tử hình tại Phú Yên. Luật sư Đôn cho rằng ông bảo vệ lẽ phải, tìm ra công lý, xử lý những người thi hành công vụ mà làm sai nên ông không sợ bị trả thù. Xuất hiện ban đầu là một con người mẫu mực như giải cứu cho nỗi thống khổ của những người dân nghèo thì sau đó Đôn tham gia bào chữa cho vụ Nguyễn Viết Dũng tham gia biểu tình chặt cây xanh. Điều đáng nói ở đây là vị luật sư này đã không còn coi trọng sự thật thậm chí ở góc độ nào đó còn mất đi tinh thần dân tộc vì cho rằng: Nguyễn Viết Dũng mặc áo phông đen có in hình lá cờ vàng 3 sọc của VIệt Nam Cộng Hòa là hoàn toàn hợp pháp.

Gần đây là việc vị luật sư này phủ nhận thông tin về tài khoản Facebook của mình với những thông tin và hình ảnh phản cảm thể hiện sự chống đối, mất tinh thần dân tộc. Nhưng chốt lại Đôn lại cho rằng đó là hành động đúng đắn khi không thừa nhận tài khoản đó là của mình vì nếu nhận thì ông có thể bị thu thẻ luật sư, không có cơ hội bảo vệ cho dân nghèo. Những lời nói nghe thật cảm động nhưng đó chỉ là tấm mặt nạ cho một bộ mặt giả dối. Một luật sư đi tìm công lý cho nhân dân mà lại lấy sự thiếu trung thực của mình là một cách để tồn tại thì thật đáng xỉ nhục. Hơn nữa với việc một luật sư bảo vệ công lý và sự thật nhưng lại tự bôi nhọ chính mình bằng sự phủ nhận trắng trợn kia để tự ứng cử vào quốc hội thì thật không thể hiểu lương tâm và nhân phẩm hắn để đâu?

Quốc hội và nhà nước ta luôn rất trân trọng và công bằng trong việc tự ứng cử của nhân dân nhưng một điều quan trọng là đó phải là những con người có đủ đức đủ tài để cống hiến cho nhân dân và đất nước còn những hành động như trên chỉ là sự giả dối và làm trò đáng bị phê phán.

GIÓ
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment