Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh trả lời báo chí xung quanh hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt.
Ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh trả lời báo chí xung quanh hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt, đã nói rằng: “Chúng tôi rất đau xót với những mất mát và hoàn toàn thông cảm với các nạn nhân.”
Ông Khánh cho biết với trường hợp Công ty Liên kết Việt, cơ quan quản lý đã giám sát, kiểm tra chặt chẽ, phát hiện nhiều sai phạm và xử lý kịp thời. Ngày 15/7/2015, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt, đã phát hiện một số dấu hiệu ban đầu cho thấy công ty này vi phạm quy định tại Nghị định 42.
Ngày 6/8/2015, Cục QLCT đã ban hành quyết định điều tra sơ bộ đối với công ty này, ngày 2/10/2015, vụ việc được chuyển sang điều tra chính thức. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 20/11/2015, Cục QLCT ban hành Quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định.
Vì sao Bộ Công thương không công khai Liên kết Việt lừa đảo?
Với câu hỏi vì sao Bộ Công Thương đã phát hiện sai phạm và phạt Công ty Liên kết Việt 570 triệu đồng nhưng không phát đi thông tin cảnh báo ngay tại thời điểm đó, mà để công ty này tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng? Ông Khánh cho hay theo quy định tại Điều 71, Điều 72 Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh và Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quyết định xử phạt Công ty này không thuộc các trường hợp buộc phải công bố công khai…
Việc xử lý vi phạm hành chính của Liên kết Việt là hoạt động nằm trong trách nhiệm của Bộ Công thương, nhưng việc công bố thông tin xử phạt lại phụ thuộc vào quy định của Luật Cạnh tranh. Theo đó, chỉ trong một số trường hợp nhất định, quyết định này mới được công bố công khai, vàLiên kết Việt không thuộc trường hợp cần công bố công khai?
Theo nld.com.vn, ông Khánh nói: “Do chỉ cơ quan công an mới có đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra xác minh hành vi lừa đảo, tại thời điểm Cục QLCT ban hành quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt lại chưa có kết luận cụ thể của cơ quan công an nên Cục QLCT, chưa thể đưa ra các cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của Công ty Liên kết Việt. Thẩm quyền của Bộ Công thương chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính,” ông Khánh nhấn mạnh.
Do chưa có kết luận cuối cùng của phía cơ quan công an nên Cục QLCT chưa thể đưa ra các cảnh báo với người dân. Việc đổ lỗi đùn đẩy trách nhiệm này đã làm 6 vạn người dân chịu thiệt với tổng số tiền 1.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, nếu Chính phủ, công luận yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm thì Bộ này sẽ làm. “Chúng tôi rất đau xót với những mất mát và hoàn toàn thông cảm với các nạn nhân. Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân, báo chí, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm Nghị định 42 thì gọi đến đường dây nóng Cục QLCT.“
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, nếu ngay từ đầu, Cục QLCT cho công khai thông tin tới 27 địa phương nơi Liên Kết Việt đang có chi nhánh về việc công ty bị thanh tra và xử phạt thì liệu có chuyện con số nạn nhân tăng lên 60.000 người? Trong quyết định xử phạt Liên Kết Việt, thay vì xử lý hành vi vi phạm vào điều cấm của Nghị định 42 để rút giấy phép thì Cục quản lý cạnh tranh lại viện dẫn theo Luật Cạnh tranh?
Lỗ hổng lớn trong quản lý kinh doanh đa cấp
Thực tế kinh doanh đa cấp ngày càng biến tướng, dưới các hình thức khác nhau, phát triển rất mạnh, theo số Bộ Công thương hiện đang có 1,1 triệu người tham gia, trong khi cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm kiểm tra giám sát, người dân lại bất chấp tất cả chỉ mong “làm giàu không khó”, làm giàu nhanh mà không phải lao động nên hậu quả thật là khó lường hết.
Đến nay, kinh doanh đa cấp đa phần bị biến tướng, hầu hết các công ty đều bỏ qua đạo đức kinh doanh, đưa ra đủ các chiêu bài để dụ dỗ người dân, trong khi người tham gia phần lớn là kém hiểu biết về pháp luật, hạn chế về nhận thức kinh doanh.
Về phía cơ quan quản lý, cơ bản là hành lang pháp lý về hoạt động này không thiếu nhưng người thực hành và áp dụng pháp luật hiện đang lại không hiểu, không làm đúng, thiếu sự nhạy cảm, tận tâm.
Nhìn lại vụ Liên Kết Việt vừa qua, nhiều hành vi hoạt động của công ty này vi phạm quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Luật Cạnh tranh.
Ví dụ, Liên kết Việt mặc nhiên tự cho mình quyền tự do tổ chức hội thảo, đào tạo bán hàng, trong khi Luật quy định rõ công ty kinh doanh đa cấp phải có nghĩa vụ thông báo đến Sở Công thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo đào tạo. Luật quy định nhưng lại không ai giám sát, cơ quan quản lý chỉ quản lý trên diện hồ sơ giấy trắng mực đen. Vì thế Liên Kết Việt và hàng loạt công ty đa cấp khác công khai tổ chức các hội nghị quy mô hoành tráng tại các địa điểm cũng hoành tráng, với số người tham gia rất lớn từ 4.000 – 7.000 người, với các quan khách cấp cao của rất nhiều cơ quan nhà nước tham gia đã làm cho người dân tin rằng mọi việc đều có sự kiểm soát của nhà nước rồi.
Đây chính là lỗ hổng lớn khiến nhiều vi phạm kinh doanh đa cấp phát sinh từ mắt xích này. Trước những vi phạm, biến tướng của kinh doanh đa cấp, cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm vì sự lỏng lẻo, yếu kém trong giám sát kiểm tra.
Làm thế nào nhận biết để tránh lừa đảo đa cấp
Vậy làm sao để có thể tránh bị lừa, để nhận biết những công ty đa cấp đang làm ăn bất chính? Thông qua những điểm chính sau thì dễ thấy hiện tượng lừa đảo.
Một là, hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn: Bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa trực tiếp, không phải là một hình thức đầu tư tài chính, do đó những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận rất cao, chỉ cần bỏ ra vài triệu, không cần làm gì cả, một vài năm có lãi suất gấp 48 lần như của Liên kết Việt thì chắc chắn là lừa. Vì trên thế giới không thể có hình thức kinh doanh nào có lợi nhuận cao thế, lại càng không có chuyện là không phải làm gì, chỉ việc góp tiền và chờ được hưởng lợi nhuận rất cao.
Hai là, sản phẩm không tốt: Bản chất của hoạt động bán hàng đa cấp là giới thiệu, chia sẻ về các sản phẩm chất lượng tốt để bán các sản phẩm đó cho người tiêu dùng. Nếu sản phẩm không tốt thì bạn không có gì để giới thiệu, chia sẻ và do đó bạn sẽ khó bán được hàng, khó có thể kiếm được tiền hoa hồng.
Ba là, không chú trọng bán hàng, chỉ thu tiền đóng góp: Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng, nên khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, chỉ chú trọng thu tiền đóng góp, rồi lấy tiền của người sau trả người trước thì chắc chắn đó là lừa đảo.
0 comments :
Post a Comment