Có lẽ cư dân mạng không còn quá xa lạ với Cấn Thị Thêu. Thị là đối tượng đã từng có tiền án về tội chống người thi hành công vụ năm 2014 khi cố tình cản trở việc giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, cũng từ đó thị trở thành “bà trùm dân oan” với những hành động gây rối phức tạp dưới vỏ bọc “dân oan đòi đất”. Sau khi mãn hạn tù thị chuyển hướng từ đòi đất đến đòi dân chủ, nhân quyền để chuyển mình thành một “nhà dân chủ” thực thụ. Những hành vi bất chấp pháp luật, cố tình gây rối trật tự công cộng với tính chất ngày càng nghiêm trọng và hệ thống, đã bị 4 lần xử phạt hành chính về hành vi này nên kết quả tất yếu là ngày 10/6/2016, Thêu đã bị bắt giữ, ngày 20/9/2016, Cấn Thị Thêu sẽ bị đưa ra xét xử về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự.
Xoay quanh vụ việc này, đám dân chủ, dân oan trong nước không ngừng kêu gọi các tổ chức, cá nhân thiếu thiện cảm với Việt Nam lên tiếng can thiệp vào vụ việc này để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đáp lại lời kêu gọi đó, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch đã lên tiếng về vụ án của “bà trùm dân oan” này. Ngày 18/9/2016, Tổ chức này đã có những tuyên bố hết sức phi lý, vu cáo, xuyên tạc và can thiệp trắng trợn qua việc xử lý đối với Cấn Thị Thêu “chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai đang sắp phải hầu tòa vì đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa, và trả tự do vô điều kiện cho bà.”
Trước hết, về tổ chức Human Right Watch, là tổ chức phi chính phủ nghiên cứu và cổ vũ về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, được thành lập năm 1978, có trụ sở tại nhiều thành phố lớn thuộc các quốc gia phương Tây hoặc các nước đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, những vấn đề nhân quyền được nhìn nhận dưới con mắt của tổ chức này luôn luôn méo mó, thiếu khách quan. Những tuyên bố của tổ chức này về tình hình của nhân quyền của các nước được đưa ra đều không có cơ sở khoa học, nhìn nhận hết sức phiến diện, đặc biệt là những tuyên bố đó lại cổ vũ cho những đối tượng có hành động vi phạm pháp luật của các nước khác nhau.
Cái tuyên bố đối với Cấn Thị Thêu nêu trên cũng không phải là một ngoại lệ.Nhìn nhận một cách khách quan, vấn đề mà Human Right Watch tuyên bố thì hành vi của Cấn Thị Thêu là một hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Những hành động tụ tập đông người, gấy rối trật tự công cộng đã khiến cho nhân dân Thủ đô hết sức bất bình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực khác nhau của nhân dân như: Mất an ninh trật tự, ảnh hưởng hành lang giao thông, làm xấu đi hình ảnh Thủ đô văn hiến, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt vui chơi, giải trí của nhân dân… Mặc dù, đã có tiền án, đã bị phạt hành chính nhiều lần nhưng thị vẫn chứng nào tật ấy. Vì vậy, không có lý gì mà không xử lý Cấn Thị Thêu để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Hơn nữa, hành vi lần này của Thêu không còn trong phạm vi “đòi đất” như trong vụ án chống người thi hành công vụ năm 2014 cũng như tuyên bố của Human Right Watch. Thị tổ chức, kêu gọi người dân nhẹ dạ cả tin thực hiện tụ tập đông người, biểu tình gây rối với muôn vàn lý do, từ việc kêu gọi trả đất cho “dân oan” cho đến bảo về môi trường, cổ vũ cho các đối tượng phạm tội đã, đang bị chính quyền xử lý, đến cả việc xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ nhân quyền…
Bởi thế, cái lý do chính quyền “Nên thương lượng với những người biểu tình đòi đất thay vì bỏ tù họ” “Chính quyền nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù, thay vì trừng phạt những người dân bị mất đất.” là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Mặt khác, hành động ra tuyên bố sai sự thật, xuyên tạc của Human Right Watch đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Vì vậy mà nhiều nước đã liệt kê Human Rights Watch vào danh sách các tổ chức bị cấm hoạt động trên lãnh thổ nước đó.
THÀNH NAM
0 comments :
Post a Comment