Những
ngày qua, đã có nhiều tờ báo đăng tải rất nhiều bài viết về vụ việc
“Công an hành hung phóng viên” trên cầu Nhật Tân. Thậm chí, trong chương
trình thời sự 19h của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đưa tin và
hình ảnh cùng góc nhìn trên làm bùng lên bức xúc của dư luận cả nước.
Cụ thể điểm qua hàng loạt bài báo sau:
Báo
Tuổi trẻ có các bài “Sẽ xử lý nghiêm vụ phóng viên bị hành hung”; “Điểm
nóng 360: Hà Nội sẽ xử theo luật vụ nhà báo bị tấn công”; thậm chí còn
đăng bài “Lễ phép với nhân dân” của tác giả Phạm Vũ lôi cả “Sáu điều Bác
Hồ dạy CAND” như “Đối với nhân dân phải: Kính trọng – Lễ phép” để lập
luận. Hơn thế, Báo Tuổi trẻ còn đăng bài “Gương mặt và Quả đấm” của tác
giả “Bút Bi” mỉa mai vụ việc này.
Nhà báo Quang Thế (áo trắng) bị đánh sau khi chửi cảnh sát trên cầu Nhật Tân – Ảnh – M.C. |
Báo
Người Lao Động có các bài viết “Phóng viên Báo Tuổi trẻ bị hành hung
khi tác nghiệp”; “Công an hành hung phóng viên, cản trở phóng viên tác
nghiệp”; “Cảnh sát hình sự hành hung phóng viên Báo Tuổi Trẻ”
Báo
Lao Động có các bài “Đừng im lặng: Chúng tôi phản đối hành hung, cản
trở nhà báo tác nghiệp” có nội dung cho rằng “Chúng tôi muốn nói lên sự
thật. Không ai có quyền cản trở nhà báo”. Thậm chí còn đòi “lời xin lỗi
có đủ không?”
Báo
Thanh Niên có các bài viết “Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên
khi tác nghiệp”; “Điều tra vụ công an hành hung phóng viên”. Báo Một
Thế Giới có bài “Phóng viên báo Tuổi Trẻ bị đánh chảy máu miệng khi tác
nghiệp”
Báo
điện tử VnMedia có các bài “Hội Nhà báo yêu cầu xử nghiêm vụ hành hung
phóng viên”; “Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo làm rõ kẻ hành hung phóng
viên trên cầu Nhật Tân”.
Trang
tin Zing có các bài “Cảnh sát hình sự ở Hà Nội hành hung phóng viên”;
“Hội Nhà báo yêu cầu xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên”.
Trang
báo điện tử Soha có các bài báo “Nhà báo bị hành hung trên cầu Nhật
Tân: GĐ Công an HN nói gì?”; “Phóng viên tác nghiệp bị Công an cản trở,
“tung chưởng” vào mặt” có nội dung cho rằng “trong quá trình tác nghiệp
theo đúng quy định của pháp luật, PV Quang Thế của báo Tuổi Trẻ đã bất
ngờ bị 2 nam thanh niên từ trong hiện trường đi ra đấm, đá liên tiếp vào
người”.
Báo
Tiền Phong có các bài “Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp trên cầu
Nhật Tân”; “Phóng viên bị công an hành hung: Công an Hà Nội vào cuộc”;
“Clip tố công an Đông Anh cản trở phóng viên tác nghiệp”
Báo
Người đưa tin có các bài “Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp: Hội
Nhà báo VN lên tiếng”; “Nhà báo bị hành hung trên cầu Nhật Tân: GĐ công
an Hà Nội nói gì?”
Báo
điện tử VietnamPlus (TTXVN) có các bài “Phóng viên Tuổi Trẻ bị hành
hung khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân”; “Yêu cầu xử nghiêm vụ hành hung
phóng viên Tuổi trẻ”
Báo
PetroTimes có các bài “Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp trên cầu
Nhật Tân”; “Hội Nhà báo lên tiếng vụ phóng viên bị hành hung”.
Báo
điện tử VOH có bài “Phải bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp đúng pháp luật”.
Báo Đại đoàn kết có bài “Phóng viên báo Tuổi trẻ bị hành hung khi tác
nghiệp”. Báo Công Lý có bài “Một phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp
trên cầu Nhật Tân”. Báo Đất Việt có bài “Công an hành hung phóng viên:
Đến tận nơi xin lỗi”. Báo điện tử VTC có bài “Giám đốc Công an Hà Nội
chỉ đạo làm rõ những kẻ hành hung phóng viên trên cầu Nhật Tân”. Báo
điện tử VOV có bài “Hà Nội: Công an huyện Đông Anh xin lỗi vì hành hung
phóng viên” .
Chiếc taxi bị bỏ lại trên cầu. Ảnh: Otofun |
Sau
khi hàng loạt bài báo trên đăng tải, dư luận đã bức xúc cực độ đến nỗi,
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, chiến sỹ công an đánh phóng viên khi
đang tác nghiệp là vi phạm “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”, vi phạm quy định
tại Điều 20 của Hiến pháp. Thậm chí trích luôn Điều 104 Bộ luật Hình sự
về tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác” và Điều 7, Nghị định số 159 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy
định về “Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí”. Đặc biệt,
Hội Nhà báo Việt Nam còn ra văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, đề
nghị Công an huyện Đông Anh nhanh chóng xác minh, làm rõ và có hình thức
xử lý nghiêm đối với hành vi cản trở tác nghiệp, hành hung nhà báo.
Điểm
qua hầu hết các bài báo, chưa nói đến tính đúng sai, nhưng có thể thấy,
gần như tất cả đều đưa tin một chiều và chỉ mô tả những gì Nhà báo Trần
Quang Thế nói. Tất cả chỉ dựa vào mấy clip của phóng viên tung lên mạng
để bảo vệ danh dự và nhân phẩm của phóng viên, không có một bài báo nào
đề cập đến những bức xúc của các chiến sĩ khi gặp phải những phóng viên
lì lợm, phớt lờ kia. Rất ít bài báo nào hỗ trợ cảnh sát phân tích tìm
ra hung thủ, giải tỏa nỗi oan ức của người lái taxi thiệt mạng nằm dưới
chân cầu kia.
Chưa
có bất kỳ bài báo nào đề cập đến nguyên nhân vì sao một số cảnh sát lại
đánh Nhà báo Trần Quang Thế ? Chưa có bài báo nào đặt câu hỏi rất bình
thường rằng, chẳng lẽ tự nhiên Nhà báo Quang Thế lại bị đánh? Thậm chí
còn bỏ qua những chi tiết rất quan trọng mà tôi sẽ đề cập ở dưới !
Để
trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ từng sự việc: Như tin đã
đưa, lúc 8h30 ngày 23/9, nhiều người dân hoảng hốt khi thấy thi thể một
người đàn ông áo sẫm màu ở chân cầu Nhật Tân. Ngay sau khi nhận được
tin báo, lực lượng cảnh sát hình sự và các lực lượng khác đã đến để
phong tỏa bảo vệ hiện trường, tiến hành xác minh điều tra.
Trên
cầu có chiếc taxi (4 chỗ) có biểu hiện hư hỏng một số bộ phận, bên
trong xe bị xáo trộn và thành xe có vết máu. Đại diện hãng taxi Vic xác
nhận người đàn ông tử vong dưới cầu Nhật Tân là lái xe Mai Trọng Quỳnh
(SN 1980), trú ở tổ 80 Khương Trung, Thanh Xuân Hà Nội.
Đơn trình báo của anh Trần Quang Thế về việc bị công an hành hung trên cầu Nhật Tân nhưng lại thiếu chi tiết “chửi công an”. |
Vì sao phóng viên bị đánh?
Chuyện
gì cũng có căn nguyên của nó: Hãy xem clip của Báo Thanh Niên (giây thứ
3), chúng ta nghe thấy rõ ràng, cảnh sát hình sự mặc thường phục nói
lớn với phóng viên“mày chửi ai, hả” trước khi tung cú đá đít, sau đó
phóng viên nói “em đã xin lỗi rồi mà”. Điều này có nghĩa, anh phóng viên
này rất có thể đã chửi và xúc phạm cảnh sát, chứ không phải tự nhiên mà
một số cảnh sát lại khùng khùng điên điên đánh phóng viên như hàng loạt
bài báo đã đăng tải, đẩy bức xúc dư luận lên cực đỉnh mấy ngày qua.
Phóng
viên Trần Quang Thế khi viết Đơn trình báo đã không trung thực, cố tình
lờ đi hành động “chửi công an”! Một sự thật bất lợi cho phóng viên như
vậy mà các bài báo đã bỏ qua, cố tình quên đi ! Chẳng lẽ “ngọn cờ” đi
tìm sự thật của các nhà báo viết ra các bài báo trên là như thế này?
“Phóng viên tác nghiệp đúng pháp luật” là như vậy sao? Những câu hỏi này
làm cho tôi nghi ngờ về sự công tâm mà các nhà báo đang rêu rao!
Hãy
xem clip của Báo Thanh Niên (giây thứ 3: cảnh sát nói lớn “mày chửi ai,
hả”trước khi tung cú đá đít, phóng viên nói “em đã xin rồi mà”).
Còn
trong clip được cho là của Báo Pháp luật, chúng ta thấy rất rõ, sỹ quan
cảnh sát mặc quân phục Nguyễn Danh Thắng (số hiệu 091-446) đã giải
thích nhẹ nhàng với phóng viên, đây là vụ trọng án, anh em đang tập
trung điều tra như phóng viên đã thấy, mong anh hợp tác (ý nói hãy thực
hiện công an yêu cầu), và cảnh sát đã yêu cầu phóng viên ra khỏi hiện
trường nhiều lần để còn thực hiện nhiệm vụ. Sau đó phóng viên (báo Pháp
luật) đòi hỏi cả thẻ công an đâu, nói “anh này là ai”, yêu cầu cảnh sát
phải kiểm tra cảnh sát thường phục này là ai! Phóng viên có quyền đứng
giữa hiện trường đòi hỏi những điều này sao?
Những sai trái trong tác nghiệp của cảnh sát và phóng viên:
Trước
hết về phía cảnh sát: Nhiều người cho rằng, cảnh sát không khoanh vùng,
bảo vệ hiện trường như, dây chăng, cảnh báo cấm xâm nhập. Cảnh sát đã
sử dụng lực lượng công an xã, trinh sát thường phục thiếu hợp lý để ngăn
cản người vào hiện trường. Họ đã đánh phóng viên khi gặp tình huống
kích động thể hiện qua lời nói (chửi cảnh sát như trong clip) và cử chỉ
khi gặp phải đối tượng chây lì, bất chấp cảnh sát đã yêu cầu ra khỏi
hiện trường nhiều lần.
Cái
đập máy quay, cú đấm vào mặt, cái đá đít phóng viên (sau khi bị phóng
viên chửi) đều không có trong giáo trình nghiệp vụ, sai pháp luật và rất
phản cảm.
Thứ
hai, về phía phóng viên: Đi lấy tin về trọng án mà lại không hiểu biết
về tố tụng hình sự. Hiện trường vụ án là nơi bất khả xâm phạm khi chưa
được phép của cơ quan điều tra. Đấy là nơi mà lực lượng kỹ thuật hình sự
thu thập chứng cứ cho vụ án. Nếu hiện trường bị sai lệch cho dù chỉ là
dấu chân, vết tì, vân tay cũng đủ làm mất manh mối, điều tra sẽ rất khó
khăn, thậm chí còn lạc hướng, sai lệch chứng cứ, gây oan sai.
Đã
có nhiều trường hợp do không có kiến thức khi chụp hình dẫn đến mất dấu
vết, thậm chí dấu vết thu được lại là của “quân ta” (như vụ thảm sát
Bình Phước, toàn bộ dấu vân tay trên cổng chính là của người dân hiếu kỳ
và nhà báo). Chưa kể các đối tượng gây án trà trộn trở lại hiện trường
để nghe ngóng, xóa dấu vết. Lẽ ra phóng viên phải biết và tôn trọng yêu
cầu này của công an.
Xem
lại một số clip được tung lên mạng, một người mặc thường phục dùng
bụng, vai của mình để húc cản một người cầm máy ảnh cố xông vào hiện
trường. Một công an xã không thể cản được một phóng viên cố xông vào
hiện trường. Một cảnh sát yêu cầu phóng viên ra ngoài hiện trường trọng
án vẫn không được chấp hành. Thấy thái độ của phóng viên báo Pháp luật,
Tuổi trẻ thể hiện sự chây lì. Phóng viên báo Pháp Luật chưa trình thẻ
Nhà báo mà cứ luồn lách bên này, bên kia, nói năng như “quan trên xuống
hiện trường”. Cảnh sát đã cố giải thích và yêu cầu, nhưng rất tiếc,
phóng viên đã quá coi thường tiếng nói của cảnh sát, bỏ ngoài tai mọi
yêu cầu, thay vào đó là kiểu thách thức, đe dọa “tung lên mạng, lên
báo”. Cách hành xử ấy của phóng viên có văn minh, hợp pháp, có gây bức
xúc cho cảnh sát không ?.
Thi thể người đàn ông áo tím nằm dưới chân cầu. Ảnh: Otofun |
Về
phía các tác giả bài báo đã nêu ở trên: Họ đã đồng loạt đăng tải rất
nhiều bài viết ủng hộ đồng nghiệp ra mặt, thiếu trung thực trong cung
cấp thông tin, đã lờ đi (chỗ chửi cảnh sát), chỉ viết những thông tin,
hình ảnh phản cảm nhất, có tính dẫn dắt dư luận (bị đá đít) để lên án
công an, hoặc tệ hơn là làm xấu đi hình ảnh một lực lượng trong mắt nhân
dân, như nhà báo Mai Thanh Hải (mà tôi từng yêu quý) đã bình luận trên
facebook rằng“Cứ bảo sao dân người ta toàn gọi là “thằng” công an” và vô
số các bình luận trên các báo và mạng xã hội!
Thậm
chí, tôi còn cảm tưởng, họ còn quên đi nỗi đau thương, mất mát của
người lái xe taxi đang nằm dưới chân cầu kia ! Rất ít bài báo đề cập,
theo dõi liên tục đến những bất thường của vụ án mạng, hỗ trợ lực lượng
điều tra tìm ra hung thủ!
Vì sao cảnh sát lại phải bảo vệ hiện trường bằng mọi giá như vậy ?
Đây
là có thể là một vụ án mạng. Những sắp đặt ở hiện trường đều gợi mở một
vụ tự tử, nhưng chi tiết trong xe bị xáo trộn, thành xe có vết máu và
những bất thường khác trên cầu, khiến các chiến sĩ cảnh sát phải suy
nghĩ đến khả năng, anh tài xế có thể bị sát hại và ném xác xuống chân
cầu để dựng hiện trường giả một cách tinh vi.
Trong
các vụ án, để tìm ra đúng hung thủ, nguyên tắc đầu tiên trong phá án,
là phải bảo vệ hiện trường bằng mọi giá, cảnh sát hình sự được đào tạo
rất kỹ càng, ngay cả việc chụp ảnh hiện trường và nạn nhân cũng phải
huấn luyện chuyên sâu mới có thể không làm sai lệch, xáo trộn dấu vết.
Cảnh sát phải tìm mọi cách có thể để phong toả, thậm chí, cô lập cả cây
cầu để phục vụ điều tra.
Ở
vụ án này, cảnh sát đã chọn phương án vẫn cho xe cộ qua lại. Có thể là
để không ảnh hưởng quá lớn đến giao thông, nhưng quan trọng hơn, có thể
là cảnh sát cố giữ các hoạt động trên cầu “một cách bình thường nhất”
như: không căng dây cảnh báo, chỉ sử dụng con người để bảo vệ. Một mặt,
cho cảnh sát mặc quân phục đứng tại chỗ, đồng thời bố chí cảnh sát mật
phục xung quanh, giả là người dân thường, để dễ bề theo dõi những ai có
biểu hiện lạ (giống vụ giết 6 người ở Bình Phước, một mặt cho cảnh sát
mặc quân phục khám nghiệm hiện trường, một mặt bố chí cảnh sát mật phục
theo dõi hung thủ Nguyễn Hải Dương trong đám tang)
Ngoài
bảo vệ hiện trường về mặt vật lý, thì cảnh sát rất cần phong toả thông
tin để tránh đánh động hung thủ hoặc đưa tin có ý đồ để đánh lạc hướng
hung thủ. Khi cố chụp ảnh, cảnh sát có quyền nghi ngờ bất kỳ ai (kể cả
phóng viên) thu thập thông tin để hỗ trợ hung thủ, hoặc phát tán lên
mạng (vô tình hay cố ý) đánh động hung thủ, hoặc cung cấp cho hung thủ
những thông tin quý giá về diễn biến cuộc điều tra. Hung thủ sẽ có thời
gian để đối phó.
Vậy
mà anh phóng viên với chiếc máy quay xông vào hiện trường như trốn
không người nên đã bị ngăn chặn. Chỉ cần một cái quyệt tay, một bàn chân
bước lên các dấu vết, một hành động hí hoáy nào đó thôi, anh phóng viên
có thể sẽ là giảm xác suất phá án xuống con số không!
Đôi điều nhắn nhủ
Trong
thời đại thông tin như ngày nay, giá như các chiến sĩ cảnh sát Đông Anh
biết giữ bình tĩnh hơn nữa, chấp hành đúng các qui định của pháp luật
và của ngành, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ một cách khôn ngoan,
chuyên nghiệp hơn nữa thì sẽ không đến nông nỗi này.
Đặc
biệt, tuyệt đối lúc này không vì dư luận mà tiết lộ danh tính các chiến
sĩ đang thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án (kể cả các chiến sĩ mặc
thường phục đánh phóng viên), phải bảo vệ tuyệt đối tính mạng cá nhân và
gia đình các chiến sĩ (tránh hung thủ và đồng bọn trả thù). Hãy để sau
khi phá án xong, bắt được hung thủ thì công khai danh tính trên mặt báo
để công luận rõ!
Công an có quyền (được pháp luật bảo hộ) bảo vệ hiện trường bằng mọi giá, các phóng viên đừng bước qua giới hạn đó.
Trước
một vụ án mạng, công an đang tìm cách bảo vệ nguyên vẹn hiện trường để
lực lượng kỹ thuật hình sự vào cuộc. Giá như các phóng viên kia đừng coi
mình “như quan trên xuống hiện trường”, biết tôn trọng những người đang
thi hành công vụ một chút, thì chuyện như thế này đâu có xảy ra?.
Các
phóng viên cũng nên hiểu, khi chưa có dây căng, rào chắn để bảo vệ hiện
trường (cả trên cầu và dưới chân cầu) thì công an cực chẳng đã phải sử
dụng con người để bảo vệ. Họ cũng cần được tôn trọng và đối xử văn minh
như những phóng viên đang được các bài báo bảo vệ danh dự và nhân phẩm
vậy.
Các
nhà báo không nên chỉ chăm chăm bảo vệ danh dự, nhân phẩm của phóng
viên “tác nghiệp đúng pháp luật” mà cần suy xét kỹ hơn nguyên nhân sự
việc, danh dự của cảnh sát (khi bị chửi) trước khi viết bài. Cần có thêm
những bài báo hỗ trợ cảnh sát tìm ra hung thủ, giải tỏa nỗi oan ức của
người lái taxi thiệt mạng kia. Hãy công tâm hơn nữa, hãy đi đến cùng sự
thật, đừng cắt xén và phản ánh thông tin một chiều như thế.
Cộng
đồng mạng không cần phải lấy cách xử sự của phương Tây (còng tay, vùi
mặt xuống đất và có thể ăn kẹo đồng) khi cảnh sát ra hiệu lệnh, mà chỉ
cần nhìn vào các clip và văn hóa Việt Nam thôi cũng đủ hiểu phần nào sự
việc.
Khi
chưa suy xét ai đúng ai sai, việc Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện
Đông Anh (Hà Nội) đã trực tiếp đến làm việc với Văn phòng đại diện báo
Tuổi Trẻ, lên tiếng xin lỗi phóng viên, đó là cách hành xử văn minh. Với
những gì đã xử sự, có lãnh đạo nào đại diện báo Tuổi Trẻ lên tiếng xin
lỗi cảnh sát chưa?.
Nếu
mọi người đều văn minh, tôn trọng nhau thì sẽ không có chuyện “đá nhau”
cả ở hiện trường lẫn trên mạng, khi tất cả chúng ta đều đi tìm sự thật,
xoa dịu nỗi đau, đem lại công bằng cho người thiệt mạng và vì bình yên
của người dân.
NAM PHONG
0 comments :
Post a Comment