Người dân có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Ngày 20/9, Bộ Y tế thông tin về việc sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo đó, Bộ này đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương nghiên cứu quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày ở tất cả cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung.
Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.
Các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy nêu trên trong vòng 20 hải lý.
Theo kết luận của Bộ Y tế, các loại cá biển tầng nổi đủ an toàn để dùng làm thực phẩm. Ảnh: Hoàng Táo.
Theo Bộ Y tế, các mẫu đều được kiểm nghiệm chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng.
Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng (các tỉnh không chịu ảnh hưởng sự cố môi trường gồm Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu), đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.
Các chỉ số: thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh (4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng) trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.
Kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.
Cũng theo kết quả kiểm nghiệm, đối với phenol, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi tại bốn tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol.
Tuy nhiên, Bộ Y tế phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của bốn tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - đây là những loài hải sản sống ở tầng đáy. Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện phenol đều nằm trong vùng từ 5 đến 25 km (tương đương với khoảng 2,7-13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Nguồn: Hoàng Phương - http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-y-te-hai-san-vung-25km-day-bien-mien-trung-chua-an-toan-3470904.html
Đúng là khổ, phát triển kinh tế đúng là phải gắn liền với bảo vệ môi trường chứ thiếu cái đó con cháu chỉ có ăn cám thôi
ReplyDelete