Ngày 09/6/2018 vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã có Thông cáo về Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Trong bối cảnh có rất nhiều luồng quan điểm được đưa ra từ phía các chuyên gia, các nhà khoa học và đông đảo quần chúng nhân dân, quyết định này rõ ràng đã thể hiện tính cầu thị, thận trọng của Quốc hội và rất hợp lòng dân.
Chúng ta đều biết rằng, tính chất, đặc điểm của Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là Đặc khu) về mặt địa giới hành chính đã tồn tại khá lâu trên thế giới và nổi tiếng nhất đối với bạn đọc chính là Hong Kong, Ma Cao của Trung Quốc - một đất nước có cùng dạng thể chế chính trị giống chúng ta. Cho đến thời điểm hiện nay, hai Đặc khu này của Trung Quốc đã cực kỳ phát triển, có thể được coi là những trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu của thế giới. Sở dĩ nó có sự phát triển như vậy, bên cạnh nguyên nhân Hong Kong nguyên là thuộc địa của Anh còn Ma Cao nguyên là thuộc địa của Bồ Đào Nha thì lý do chính để hai địa giới hành chính của Trung Quốc này phát triển đến mức như vậy là do chính sách mở cửa và “một bầu trời, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình. Nhắc đến con người này, chúng ta không thể nào quên nỗi đau mà Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, nhưng thành tựu mà ông ta đã làm cho Trung Quốc để rồi ngày nay, dựa vào đó, ông Tập Cận Bình mới có thể có những phát ngôn mạnh mẽ như việc đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về kinh tế vào năm 2050 đến vậy là điều không thể phủ nhận. Không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới cũng có những đặc khu bên trong lòng đất nước của mình như Hàn Quốc, UAE, hay gần với chúng ta có Philippines… Sở dĩ phải dẫn dắt như vậy để bạn đọc có thể thấy được rằng Đặc khu kinh tế không phải Việt Nam nghĩ ra, cũng không phải Việt Nam làm liều mà thế giới đã đi trước chúng ta quá lâu rồi. Do vậy, tính đến thời điểm này, việc đưa dự luật nêu trên ra để Quốc hội thảo luận đã là hết sức cần thiết, cấp bách nếu không muốn nói là muộn.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu trong một phiên họp, ảnh: internet |
Tuy nhiên, cái gì cũng tồn tại trong nó sự mâu thuẫn và đối lập. Lợi ích thì chúng ta không bàn đến vì mặc dù chỉ có chuyên gia mới có thể đưa ra những luận điểm và luận cứ chính xác nhưng mỗi người dân ai cũng có thể hình dung ra được những gì mà nó mang lại. Còn mặt hạn chế, có thể khẳng định ngay chắc chắn có. Nếu chỉ toàn lợi ích thì tại sao mà những chuyên gia và các Đại biểu Quốc hội lại phải hết lần này đến lần khác đưa nó ra để tranh luận. Chính vì tính chất phức tạp của vấn đề cho nên Quốc hội mới đưa ra quyết định tạm hoãn thời gian thông qua dự luật này. Điều đó thể hiện sự cầu thị và tôn trọng ý kiến nhân dân của Quốc hội. Về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói về dự án luật này cả trong quan điểm chỉ đạo và bên hành lang Quốc hội là cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua việc này một lần nữa khẳng định Chính phủ hết sức nhạy bén và thái độ của Thủ tướng Chính phủ là rất rõ ràng, thực sự tôn trọng ý kiến của ĐBQH và người dân nói chung”.
Ngược lại, không giống như những ý kiến mang tính chất xây dựng và chân thành, một số kẻ tự xưng mình là chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan, Phạm Chí Dũng hay đám dân chủ “giả cầy” lại cố tính lồng ghép yếu tố Trung Quốc vào đây. Rõ ràng không phải là không có nguy cơ như những kẻ này đã nêu nhưng vấn đề được đặt ra ở đây đó chính là cơ chế hành chính phải được đặt ra một cách chặt chẽ để kiểm soát “cuộc chơi” chứ không phải sợ bóng sợ gió như vậy, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta không thể sử dụng chính sách “đóng cửa” để rồi bài học của nhà Nguyễn thời phong kiến lại tiếp tục xảy ra. Tạm không nói đến những vấn đề như sự xuyên tạc Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tay sai cho Trung Quốc thì ngay cả việc Quốc hội tạm hoãn thông qua dự luật này chúng cũng tự cho rằng đó là công lao của chính chúng. Thật không thể tưởng tượng được độ dày trên da mặt của những kẻ này. Trong khi các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội đang đau đầu nghiên cứu, phân tích để ra quyết định trọng đại cho đất nước thì đám này lại lựa chọn cách thức rất đỗi Chí Phèo là kích động người dân đi biểu tình. Đúng là làm và xây thì ít chứ còn phá thì nhiều. Điển hình là sự kiện xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai hồi năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Lần đó, Đảng và Nhà nước đã rất vất vả trong việc ổn định tình hình và khắc phục hậu quả do đám này gây ra.
Cho nên, thông qua việc Quốc hội hoãn thông qua dự luật này sang kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIV có thể thấy tinh thần thẳng thắn và cầu thị của Đảng và Nhà nước ta trước nhưng phân tích, phản biện của quần chúng nhân dân. Do đó, hơn ai hết, nhân dân cần phải tin tưởng vào sự Lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước ít nhất là trong sự việc này. Mọi sự kích động cần chấm dứt ngay. Nếu không, chính những kẻ đang ôm mộng hão huyền nhân sự kiện này để lật đổ chế độ sẽ bị hậu quả đích đáng.
ĐỒI CỌ
0 comments :
Post a Comment