ĐẶC KHU KINH TẾ MANG LẠI CHO CHÚNG TA NHỮNG LỢI ÍCH GÌ

Liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đã có rất nhiều bài viết phân tích về vấn đề này. Trong bài viết này, tôi chỉ đưa ra vài suy nghĩ của mình về vấn đề các đặc khu kinh tế Việt Nam.

Đặc khu kinh tế Việt Nam, một từ vừa quen thuộc trong 20 năm qua nhưng cũng vừa rất xa lạ vì lúc xuất hiện từ này rộ lên một thời gian rồi lại âm thầm biến mất… Gần đây “đặc khu kinh tế” dường như lại xuất hiện trở lại với ba địa danh kèm theo là Văn Đồn (Quảng Ninh). Bắc Văn Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Đất nước trong suốt 30 năm đổi mới, chúng ta thường nghe nói đến khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư mới, khu đô thị mới, khu kinh tế biển, khu kinh tế tự do và gần đây là đặc khu kinh tế… Có khu tên gọi gắn với công năng cụ thể như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu dân cư mới, khu đô thị mới. Nhưng cũng có những tên gọi nhưng chưa thấy được hình hài, nên cũng không biết nó sẽ là gì.

Cảng Cái Rồng có vai trò quan trọng trong đặc khu kinh tế Vân Đồn

Tuy nhiên, tất cả tên gọi đó cũng nhằm chỉ một “công cụ” mà qua công năng của “công cụ” này sẽ đưa đến mục tiêu của người tạo ra nó đồng thời đem lại lợi ích cho người tham gia vào sân chơi do nó tạo ra. Nói cho dễ hiểu, sự tồn tại của các khu này dựa trên hai yếu tố: đạt mục tiêu của chủ thể sinh ra nó và khách thể tham dự vào. Công cụ này trong từ ngữ học thuật kinh tế được gọi là “Định chế”.

Trên cơ sở nhận thức như vậy thì tiền đề đặt ra là: Việt Nam cần gì ở đặc khu kinh tế và doanh nghiệp hưởng lợi gì khi tham dự vào đề án này ở các hình thức khác nhau. Và một điều tối quan trọng nữa cần đặt ra là nhân dân Việt Nam được lợi gì kể cả những người không có điều kiện trực tiếp tham dự vào công cuộc làm ăn ở đây và phải chấp nhận những thiệt thòi nhất thời hữu hình hay vô hình do “công cụ” đó gây ra.

Để tạo ra những chính sách đặc thù cho mỗi “công cụ” chúng ta phải dựa vào bốn yếu tố cơ bản, mỗi “công cụ” đều có mục tiêu rất rõ ràng (khu chế xuất khác với khu công nghiệp, và cũng khác khu kỹ thuật cao, càng khác khu kinh tế tự do v.v…). Từ đó thấy được rõ hơn đối tượng thu hút đầu tư của mỗi “công cụ”. Tiếp theo đó, với mục tiêu cụ thể và nhóm đối tượng thu hút đầu tư cụ thể, chúng ta có thể chọn ra vị trí (địa phương) nào có ưu thế nhất; vị trí có xác suất thành công cao nhất cho từng bài toán, cho từng công cụ. Đây chính là cách làm khoa học nhất, hợp lý nhất để tránh thất bại do thiếu hiểu biết đối với việc xây dựng một “công cụ” kinh tế nào đó. Cuối cùng sự thành bại còn tùy thuộc vào con người thực hiện nhưng điều này ai cũng biết nên không phải luận bàn thêm.

Các yếu tố nói trên, là không thể thiếu nhưng khi vận hành thì thứ tự cũng như tính trọng yếu của các yếu tố đều phải linh hoạt theo tình thế và theo từng giai đoạn mục tiêu cụ thể. Điều này trả lời câu hỏi tại sao có những “công cụ” đạt được thành quả to lớn hoặc khiêm tốn, thậm chí có công cụ phải sớm “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” (vì không còn phát triển nữa hoặc lỗi thời).

Nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng đã tạo ra được nhiều “công cụ” như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị mới… trong số này có nhiều khu đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nổi bật nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phú… với những mô hình thành công nhờ thỏa mãn các yếu tố nêu trên ở một mức độ nhất định.

Nền kinh tế nước ta hiện nay, đã có một bước phát triển dài về mặt số lượng cũng như hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đây là một yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên trong hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư vừa qua, chúng ta vẫn chưa hình thành một ngành công nghiệp cơ bản đủ tầm đứng vững trên thị trường thế giới. Công nghiệp chúng ta mới chỉ ở giai đoạn gia công, chưa bước qua giai đoạn “bắt chước” (mua pa-tăng để tự chủ sản xuất), càng chưa đến giai đoạn có thể tự sáng tạo ra sản phẩm mới vượt trội. Đó là nhược điểm lớn nhất, thiếu sót lớn nhất của giai đoạn đổi mới vừa qua.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các mô hình đặc khu kinh tế của các nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Ta thấy đặc khu kinh tế Thẩm Quyến (Trung Quốc), 8 khu kinh tế tự do của Hàn Quốc, hay như động lực giúp Singapore trở thành “con rồng” Châu Á chính là 9 khu thương mai tự do, hay như Trung tâm tài chính quốc tế Dubai, khu tự do Jebel Ali (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất)…sẽ càng làm chúng ta tin tưởng vào sự thành công của mô hình đặc khu kinh tế.

Do đó, nếu xây dựng “đặc khu kinh tế Việt Nam” với mục tiêu chiến lược vĩ mô thì trước hết phải vừa khắc phục các nhược điểm hiện nay trong nền sản xuất và vừa nắm bắt thời cơ của thời thế mới. “Đặc khu kinh tế Việt Nam” sẽ mở màn cho cuộc đổi mới lần thứ hai. Biết đâu qua thành công của những đặc khu này, 30 năm sau chúng ta sẽ vươn lên thành một nước công nghiệp phát triển thật sự, sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đó cũng là ước mơ của mọi người Việt Nam chúng ta.

PHỐ HIẾN
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment