Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thông qua dự án luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 và không còn thời hạn thuê đất đến 99 năm. Vậy mà không hiểu có phải không theo dõi điều này không mà mới đây Ủy ban công lý & hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục VN, do Giám mục Nguyễn Thái Hợp (giám mục GP Vinh) làm chủ tịch đã có Thư ngỏ gửi: Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và Quý vị Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Mà trong đó có nhắc đến việc ngày 15/6/2018 tới đây Quốc hội sẽ tiến hành bấm nút để thông qua dự luật này: "Chúng tôi được biết Quốc hội đang bàn thảo và sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc Khu) vào ngày15/6/2018 tới đây. Dù dự luật này được soạn thảo với ý định tạo bước phát triển đột phá về hành chính và kinh tế trong việc thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng lại hàm chứa nhiều rủi ro và nguy cơ gây thiệt hại cho quyền lợi quốc gia, đặc biệt có thể xâm hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Việt Nam".
Đây cũng là lí do để trong thư ngỏ này, Ủy ban trực thuộc HĐGM VN này nói rằng: "Vì vậy, với trách nhiệm xã hội của mình và với sự trân trọng dành cho quý vị, sau khi cẩn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết và khoa học của các nhà chuyên môn, và thấu hiểu nỗi lo lắng chung của đại đa số người dân, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam kính đề nghị quý vị Đại biểu Quốc hội tôn trọng nguyện vọng của toàn dân và cân nhắc các lý do sau đây để hoãn thông qua Luật Đặc Khu trong kỳ họp Quốc hội lần này".
Rất ghi nhận cho những ý kiến tâm huyết sau đó của ủy ban này về vấn đề Dự luật đặc khu như: "1. Mô hình đặc khu hành chính-kinh tế đã lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại trên thế giới ngày nay, nhất là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, mà Chính phủ Việt Nam đã xác định là định hướng ưu tiên của nền kinh tế Việt Nam;
2. Những quy định ưu đãi quá lớn về thuế quan, thời gian thuê đất, ngành nghề kinh doanh, như được nêu trong Luật Đặc Khu, dường như chưa được nghiên cứu, phân tích và phản biện về chuyên môn một cách cẩn thận và rộng rãi, hầu có thể đánh giá đầy đủ hiệu quả kinh tế mang lại cho nền kinh tế quốc gia, trong khi chắc chắn chỉ mang lại lợi nhuận vượt trội cho giới đầu cơ nước ngoài và các nhóm lợi ích trong nước;
3. Về lâu dài, yếu tố quan trọng nhất của một môi trường đầu tư tốt và hấp dẫn giới đầu tư ngoại quốc trong phạm vi quốc gia chính là những chính sách kinh tế đúng đắn, nền tảng luật pháp chuẩn mực, bộ máy hành chính hiệu quả, và hệ thống tư pháp công minh, chứ không phải là các ưu đãi nhất thời tại một khu vực riêng biệt nào đó;
4. Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là các vùng đất và vùng biển quan yếu về quân sự và quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên tiến hành chính sách gây hấn trên Biển Đông, chiếm giữ hải đảo và ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự áp sát bờ biển Việt Nam;
5. Nhiều năm gần đây sự thao túng và thâu tóm của các thương nhân, nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc về thương mại, đấu thầu, đầu cơ, mua chui đất đai hàng loạt với diện tích lớn trên cả nước, cùng với sự tràn ngập công nhân Trung Quốc tại các khu công nghiệp, đã tạo nên nhiều vấn nạn kinh tế và xã hội nan giải cho các chính quyền địa phương ở khắp nơi, và chắc chắn sẽ lại tái diễn tại các đặc khu trong tương lai.
Chúng tôi thiết nghĩ để thông qua một dự luật quan trọng với ý định mang lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, song lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia như Luật Đặc Khu, cần thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn dân. Do đó, dự luật nên được đưa ra thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt cần được các nhà chuyên môn góp ý phản biện khoa học, và cuối cùng phải được thông qua bằng một cuộc trưng cầu ý dân theo luật định".
Đây là động thái vội vàng, cầm đèn chạy trước ô tô của ủy ban Công lý & hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục VN.
Với chức năng của mình thì việc Ủy ban công lý & hòa bình trực thuộc HĐGM VN lên tiếng đối với những vấn đề như thế này là lẽ tất yếu, chuyện bình thường. Song như TGM Nguyễn Chí Linh, TGM TGP Huế, kiêm Chủ tịch HĐGM VN phát biểu gần đây trước đài RFI:
"
Vấn đề là lên tiếng như thế nào và lên tiếng với ai? Tôi nghĩ rằng lên tiếng với công luận và với truyền thông là một vấn nạn cũng rất nhạy cảm, thậm chí nếu không có cân nhắc đầy đủ, thì có thể làm rối loạn quan hệ và niềm tin. Người Công Giáo vừa là tín hữu Kitô giáo, vừa là công dân Việt Nam. Cùng một lúc phải trung thành với hai tư cách đó trong một xã hội đơn nguyên như Việt Nam thì không phải là chuyện đơn giản.
Dù sau thì Hội đồng Giám mục Việt Nam phải có một lập trường. Lập trường đó là: khi cần thì vẫn lên tiếng, lên tiếng thẳng thắn, nhưng lên tiếng một cách tế nhị, nghĩa là tiếng nói ấy phải được ghi nhận và phải được lắng nghe như là thông điệp của một cộng đồng có thiện chí, muốn xây dựng, muốn cải thiện, chứ không phải để công kích và gây ngộ nhận".
Ý kiến cá nhân tôi, Ủy ban công lý & hòa bình trực thuộc HĐGM VN và cá nhân Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã không thực hiện đúng vấn đề lập trường hết sức thận trọng và mang nhiều tính xây dựng của HĐGM VN.
LỀU CHÕNG
0 comments :
Post a Comment