“... Có là người Việt Nam, mang dòng máu Lạc Hồng?...” Vâng, đó là câu hỏi ngay lập tức vang lên trong đầu tôi khi đọc bài “Đất nước mình có bao giờ như thế này không?” của tác giả Định An đăng trên trang tintuchangngayonline. Kỳ thực, bản thân tôi không bao giờ nghĩ nếu là người Việt Nam lại nói những điều như thế về quê hương mình. Dường như tác giả bài viết có một cái đầu quá thiển cận với một tầm mắt bị che lấp bởi những thù hằn mới viết nên những dòng như thế, khi từng câu văn, câu chữ tỏ rõ sự chê bai Việt Nam. Tác giả Định An đã viết “để mọi người nhận xét và luận bàn”. Vậy tôi cũng mạn phép để cùng luận bàn với tác giả:
Thứ nhất, về nợ công: Tác giả Định An có lẽ đã không biết đến nợ công ở Mỹ trong năm 2014 là 104% GDP, Nhật là trên 200% GDP. Tác giả ấy cũng có lẽ chưa biết đến việc năm 2016 mỗi người dân Mỹ (bao gồm cả những đứa trẻ còn khóc oe oe) gánh tới 61.000 USD nợ công và mức này ở số người đóng thuế là 165.900 USD. Bất chấp những cố gắng của chính quyền Mỹ thì vẫn chưa thấy một tương lai khả quan cho vấn đề đó, đến nỗi chính phủ từng bị đóng cửa vào năm 2013. Và tác giả cũng có lẽ không phải là người chăm chỉ xem thời sự khi nhiều nước châu Âu như Hy Lạp cũng khốn đốn vì nợ công đến mức phải duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng, tình cảnh chung ấy đã khiến cho nhiều nước châu Âu đã xảy ra biểu tình phản đối chính quyền. Mục đích tác giả Định An là gì khi không hề đưa ra những con số này thay vì những lời lẽ đầy u ám về nợ công ở Việt Nam, hiện đang ở mức 65% GDP?
Tiếp đó, về vị thế: Hẳn tác giả đã không hề nhớ rằng Việt Nam đã luôn luôn được quốc tế bầu vào các vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế lớn và quan trọng với số phiếu gần như tuyệt đối. Tác giả cũng không hề thấy Việt Nam đã đang được các cường quốc tìm cách tranh thủ để tạo ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương vốn rất năng động. Nếu như vị thế của Việt Nam chẳng là gì thì liệu những điều ấy có xảy ra không?
Thứ ba, về trí tuệ: Tác giả mải miết chê bai Việt Nam không có nhiều sáng chế hay có nhiều cử nhân thất nghiệp. Nhưng tác giả cũng lờ tịt đi những giải thưởng trong các kỳ thi Olympic, các cuộc thi trong khu vực và trên thế giới mà Việt Nam đã đạt được. Tác giả không hề nhắc đến đóng góp to lớn của Việt Nam cho nhân loại khi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa, đập tan chế độ thực dân kiểu cũ dẫn đến sự việc giành độc lập ở hàng loạt các nước châu Phi (đỉnh điểm là năm 1960 với 17 nước giành được độc lập). Cống hiến vì quyền con người, vì tiến bộ nhân loại có đáng được ghi nhận là trí tuệ của Việt Nam không?
Thứ tư, về những vấn đề như tham nhũng, tác giả cũng không hề nhắc tới đó không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam mà đó là vấn đề của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Có nước nào dám vỗ ngực rằng mình không có tham nhũng? Hay vấn đề thực phẩm bẩn, tác giả không hề nhắc tới một vấn đề đáng nói là nhiều người dân Việt Nam vì lợi trước mắt, vì tiền mà sẵn sàng đầu độc đồng bào mình, bất chấp sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Điều gì khiến tác giả không nhắc đến những chuyện đó mà thay bằng những câu chữ hoàn toàn chê bai và châm biếm?
Xuyên suốt bài viết, tác giả không hề đưa ra một câu chữ nào nói đến những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được suốt thời gian qua. Không hiểu rằng tác giả có mục đích thực sự là gì? Cá nhân tôi chỉ muốn nhắn nhủ với tác giả: “Không xã hội nào trên thế giới này là hoàn hảo cả, trong khi lớn tiếng chê bai thì xin ông cũng hãy mở rộng lòng mình để có được cái nhìn toàn diện, đừng để hận thù che lấp trái tim”.
YÊN BÌNH
0 comments :
Post a Comment