Thủ tướng: Không để 'chìm xuồng' các vụ việc tiêu cực

Sáng 17/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, tham nhũng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Thủ tướng cũng khẳng định không để “chìm xuồng” bất cứ vụ tiêu cực nào khi phát hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ nghiên cứu quy định việc từ chức. Ảnh: Như Ý

Xây dựng văn hóa từ chức

Dẫn lại đề xuất văn hóa từ chức đã được nêu ra trong nhiệm kỳ trước, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện. Bởi Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4 và Thủ tướng cũng đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính. “Bên cạnh việc nghiêm khắc loại trừ những phần tử thoái hóa biến chất, cũng nên tạo hành lang pháp lý để cho những người có liêm chính hạn chế, có cơ hội được rời khỏi chức vụ trong danh dự. Thủ tướng có thấy điều này là cần thiết hay không?”, ông Quốc đặt vấn đề.

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) khẳng định, văn hóa từ chức là một nét đẹp của văn hóa đạo đức công vụ, được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Mỗi khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng, ngoài việc nhận trách nhiệm cá nhân, các bộ trưởng và trưởng ngành thường sẵn sàng từ chức. “Rất nhiều cử tri mong muốn kinh nghiệm này được áp dụng vào Việt Nam. Thủ tướng có mong muốn phát triển văn hóa này tại nước ta không?”, ông Hùng nêu câu hỏi.

Trả lời nội dung trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xây dựng văn hóa từ chức là cần thiết. Bởi có những người do sức khỏe, do trình độ, do hoàn cảnh gia đình…, không thể tiếp tục công việc trong bộ máy thì xin từ chức, chúng ta rất hoan nghênh. Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để có văn bản, tạo điều kiện cho việc từ chức.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII vừa qua đã ban hành nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức và tín nhiệm thấp mà không chờ cho đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị. “Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu và trình ra cấp thẩm quyền, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trên theo kết luận của hội nghị Trung ương”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Không dùng tiền thuế của dân xử lý dự án thua lỗ

Trả lời câu hỏi của đại biểu về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. “Đây là một yêu cầu hết sức cấp bách, vì vậy cần có những chủ trương, biện pháp hết sức cụ thể trong Đảng, Nhà nước, trong hệ thống chính trị chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, để chống tham nhũng cần phải cải cách hành chính, không còn cơ chế xin-cho, hạn chế tối đa tình trạng xin-cho, đặc biệt trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, khoáng sản.... Đồng thời phải nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ đã được phát hiện có 
tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Đề cập đến tình trạng bổ nhiệm người thân, họ hàng, bổ nhiệm cán bộ có nhiều khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng rồi bỏ trốn, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn trước sự “đúng quy trình” của các vấn đề trên. Ông Trí đề nghị Thủ tướng cho biết, có giải pháp đột phá gì giải quyết vấn đề trên, để làm sao con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước?

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đặt vấn đề, vì sao có nhiều vụ việc mà dư luận và báo chí nêu lên rất rầm rộ trong một thời gian, nhưng sau đó lại chìm xuồng. Ví dụ như biệt phủ nghìn tỷ, bổ nhiệm lãnh đạo quá số lượng, sai quy trình, sai quy định, cách ứng xử thiếu đạo đức của cán bộ, công chức. “Chúng tôi đồng ý không để “chìm xuồng” vụ nào khi phát hiện. Nếu vụ nào đã phát hiện mà “chìm xuồng” thì ĐB báo ra QH, và Chính phủ xử lý nghiêm, bất cứ cán bộ nào, ở đâu”, Thủ tướng khẳng định. Đối với công tác cán bộ, Thủ tướng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xem xét bổ sung quy trình bổ nhiệm, bảo đảm sự minh bạch. Bên cạnh đó, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh của công tác cán bộ như thi cử…

Về những ý kiến đề nghị làm rõ giải pháp và cách thức xử lý đối với các dự án gây lãng phí, Thủ tướng khẳng định, tinh thần xử lý đối với 5 dự án thua lỗ là không sử dụng tiền thuế của dân, không sử dụng ngân sách tiếp tục bỏ vào những khoản thua lỗ. Do đó, những dự án không sử dụng được thì có thể bán, cho thuê, thậm chí cho phá sản. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nào gây thua lỗ những công trình làm thiệt hại cho vốn liếng của nhà nước.

Nguồn: Văn Kiên - http://www.tienphong.vn/xa-hoi/thu-tuong-khong-de-chim-xuong-cac-vu-viec-tieu-cuc-1074331.tpo
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment