Hôm nay 21/11/2016, sau 1 tháng 9 ngày kể từ khi thông tin đầu tiên về vấn đề Arsen (thạch tín) trong nước mắm đầu tiên do Báo Thanh niên đăng bài với cái tít “Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín”, qua đó đã đưa ra nhận định, nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỷ lệ nhiễm thạch tín càng cao và công bố kết quả: “80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín”. Một thông tin gây sốc toàn tập với xã hội, gây chết lâm sàng với một số hãng nước mắm trong đó phần lớn là các cơ sở nước mắm truyền thống. Và ngay sau đó, hàng loạt các trang báo khác đã đồng loạt đưa tin trên, đặc biệt là ngày 17.10.2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đổ thêm dầu vào lửa khi tổ chức công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng cũng đưa ra kết luận: “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”, đưa ra kết luận: 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Một cái tát trời giáng mang tên "nước mắm", tổn hại về kinh tế là vô cùng lớn. Hậu quả là khiến cho các hãng sản xuất nước mắm nằm trong danh sách khảo sát cũng như là nạn nhân của việc đưa nội dung thông tin thất thiệt trên trở nên điêu đứng. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống đã đứng trước bờ vực, nguy cơ của sự phá sản.
Câu chuyện nước mắm và ý thức trách nhiệm của những người làm báo hôm nay |
May mắn thay, các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc và đưa ra kết luận chính thức rằng thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt, qua đó đã cứu sống rất nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống, cứu sống rất nhiều người dân đang trong cơn nguy kịch của cuộc đời. Một nguy kịch hú hồn hú vía với bao người.
Hậu quả của việc đưa tin thất thiệt và không kiểm chứng, không lường trước được trong thời buổi công nghệ số hiện nay đã trở nên đáng báo động như vậy. Hoàn toàn chỉ cần một chút sơ sẩy thôi sẽ có thể giết chết rất nhiều người.
Ngay sau sự việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo vô cùng quyết liệt, yêu cầu của Thủ tướng là phải kiên quyết làm cho ra vấn đề, phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan và cần thiết thì có thể cách chức một số Tổng biên tập của các báo có sai phạm nghiêm trọng để lấy đó làm gương cũng như răn đe đối với công việc, trách nhiệm của cơ quan quyền lực thứ tư trong xã hội là báo chí.
Chiểu theo chỉ đạo đó của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng và cho đến hôm nay 21/11/2016, đã có hình thức xử lý chính thức đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan được công bố. Cụ thể:
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an đánh giá mức độ sai phạm của 50 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, phân làm ba loại:
- Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia.
- Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan báo chí như sau:
50 cơ quan báo chí đã cho đăng gần 560 tin, bài (170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật từ báo Thanh niên và Vinastas; 390 tin, bài thông tin kết quả công bố từ Bộ y tế và các cơ quan chức năng).
- Phạt báo Thanh Niên 200 triệu đồng
- Phạt 8 cơ quan báo chí từ 40 đến 50 triệu đồng
- Phạt 41 cơ quan báo chí khác từ 10 đến 15 triệu đồng
Như vậy, có thể nói, đây trước mắt đây là hình thức xử phạt có thể nói là thích đáng cho những gì mà các cơ quan này đã gây ra trong sự việc nghiêm trọng vừa rồi. Nó là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các cơ quan báo chí hãy lấy đó làm gương để ý thức và trách nhiệm hơn với sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình. Dư luận xã hội lúc này đây cũng đã vô cùng phấn khởi và hoan nghênh hình thức xử lý ban đầu trên của các cơ quan chức năng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, chúng ta sẽ còn được thấy những hình thức xử lý cụ thể hơn với các cá nhân có sai phạm.
Chúng ta đang sống trong thời đại tri thức, thời đại của chất xám và mọi thứ trong xã hội cũng cần vận hành theo hệ thống trí thức đó. Qua đó để hướng tới một xã hội tiến bộ và văn minh hơn. Từ đó, vai trò của những người làm báo càng trở nên quan trọng vô cùng. Thế nên, cầm cây bút trên tay cần ý thức trách nhiệm thiêng liêng của mình với quốc gia, dân tộc, nhân dân và với chính bản thân mình. Đó mới là sứ mệnh vĩ đại và cao cả của những người làm báo hôm nay. Chúng ta hy vọng rằng, sau sự cố nghiêm trọng đáng tiếc lần này, những nhà báo của chúng ta hãy lấy đó làm bài học sâu sắc trong sự nghiệp của mình để cây bút trở nên cách mạng và chân chính hơn đúng như sự kỳ vọng của xã hội. Sự thích đáng này tuy có phần đau xót nhưng lại là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Giai đoạn mà cái tâm và cái tầm của tri thức Việt Nam trong đó có các nhà báo ngày càng trở nên quan trọng. Chúng ta hoan nghênh với quyết định ban đầu trên của các cơ quan chức năng đối với sự việc thông tin sai sự thật về nước mắm vừa rồi./.
CỎ ÚA
0 comments :
Post a Comment