VĂN PHÒNG NHÂN QUYỀN LHQ CAN THIỆP THÔ BẠO VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA VIỆT NAM

Vừa qua ngày 22/11 Văn phòng Nhân quyền LHQ đã đưa ra “lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho 3 nhà hoạt động bị bắt giữ hồi đầu tháng 11 vừa qua”. Xoay quanh sự kiện này Văn phòng Nhân quyền LHQ đã xuyên tạc một cách trắng trợn rằng: “chính quyền Hà Nội lạm dụng những quy định trong luật pháp Việt Nam để bắt giam người dân một cách tùy tiện, theo điều gọi là làm phương hại đến an ninh quốc gia”. Cũng theo Văn phòng nhân quyền LHQ những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật như Hồ Văn Hải, Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ đang bị bắt tạm giam để điều tra là “các nhà hoạt động nhân quyền”.
Các trang mạng đưa ra rất nhiều thông tin về vấn đề này, ảnh chụp màn hình

Có thể nhận thấy, những luận điệu trên không khác nhiều so với các chiêu bài tuyên truyền, xuyên tạc tình hình “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” ở Việt Nam mà các tổ chống phá đã đưa ra trong thời gian qua. Cần khẳng định rằng, đối với Việt Nam hoàn toàn không có “vấn đề về nhân quyền”. Từ khi thành lập đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Người viết xin được bày tỏ vài ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại khoản 7 điều 2 Hiến chương LHQ khẳng định: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép LHQ được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của LHQ phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Vì thế, liệu Hiến chương LHQ có cấp cho mấy người ở Văn phòng Nhân quyền tư cách nhân danh một tổ chức của LHQ để can thiệp vào “công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ” của Việt Nam? Trong khi đó, việc vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo pháp luật, đó là điều mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều thực hiện, bởi chỉ có như thế, kỷ cương xã hội mới được duy trì. Vì thế, việc Văn phòng Nhân quyền đưa ra lời “kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các cá nhân là Hồ Văn Hải, Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ” là một đòi hỏi hết sức phi lý, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Thứ hai, Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2003 không quy định phạt tù với những người tự do biểu đạt ý kiến, mà chỉ áp dụng chế tài đối với những kẻ lợi dụng “tự do ngôn luận”, “tự do dân chủ” để chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, sự vu cáo này thực sự vô căn cứ, chẳng khác nào tự nhận là thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam. Văn phòng Nhân quyền LHQ cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam người dân một cách tùy tiện, vậy tôi xin hỏi tùy tiện ở đâu? Tác giả xin dõng dạc mà khẳng định rằng hành động thường xuyên viết bài, tán phát thông tin, tài liệu có nội dung chống Nhà nước trên mạng internet; xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, vu cáo, bôi đen thực tế xã hội và thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam của đối tượng Hồ Văn Hải là hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật, thách thức chính quyền. Đối với Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ đã có những hành vi tuyên truyền làm cho người dân hiểu nhầm về chế độ, chính sách, chính quyền mặt khác, kích động gây rối, chống phá cơ sở chính quyền, cán bộ, công chức của Nhà nước. Việc bắt giữ để điều tra đối với ba đối tượng trên hoàn toàn hợp tình, hợp lý đúng với pháp luật Việt Nam, vì thế việc Văn phòng Nhân quyền đưa ra lời “kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các cá nhân là Hồ Văn Hải, Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ” là một đòi hỏi hết sức phi lý, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Pháp quyền của nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa, của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân là pháp quyền dân chủ nhất và cũng là nghiêm minh nhất. Đây là cơ sở để vừa bảo đảm quyền dân chủ, vừa bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cho phép dù là cơ quan Nhà nước, công chức hay công dân làm rối loạn trật tự an toàn xã hội. Các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, có đặc thù văn hóa, truyền thống..., không giống nhau, thì việc nội luật hóa các công ước mà mình đã tham gia vào pháp luật quốc gia phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước là điều tất nhiên và đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc văn phòng nhân quyền LHQ đưa ra “lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động bị bắt giữ hồi đầu tháng 11 vừa qua” là hành động phi lý, phi pháp can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam.

LOA LÀNG
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment