Lâm tặc tại Tây nguyên vẫn lộng hành, tàn phá rừng, công khai vận chuyển gỗ. Vụ 5 xe tải chở 50m3 gỗ, Gia Lai kiểm đếm, phát hiện số gỗ vi phạm trên 70m3. Đáng nói, Gia Lai khẳng định lâm tặc xuất phát từ Kon Tum, ngược lại Kon Tum kiên định ý kiến - đường đi của gỗ lậu là phía Campuchia tràn sang.
Nổ súng bắt lâm tặc
Huyện Ia Grai (Gia Lai) giáp ranh với huyện Ia H’Drai (tách huyện Sa Thầy, Kon Tum) được lâm tặc lợi dụng đường sông và bộ để trung chuyển gỗ lậu. Xuồng máy, xe tải rầm rập chở gỗ lậu bất kể ngày đêm. Dọc đường, luôn có đồng bọn “tháp tùng”, cảnh giới; súng, dao, mã tấu sẵn sàng cướp gỗ khi bị vây bắt. Vì sát huyện Ia H’Drai, chỉ trong 10 tháng đầu năm, Đồn biên phòng (ĐBP) Ia O (huyện Ia Grai) đã bắt 10 vụ, tịch thu 83,3m3 gỗ lậu cùng 5 xe ôtô, 6 thuyền. Xa hơn, ĐBP Ia Chía (huyện Ia Grai) cũng bắt 7 vụ với 12 đối tượng; tịch thu 5,48m3 gỗ cùng xe máy, cưa xăng. Việc bắt giữ 5 xe tải cùng 50m3 gỗ rạng ngày 6.10 là đỉnh điểm báo động nạn lâm tặc cát cứ Tây Nguyên.
Đồn trưởng ĐBP Ia O - Đinh Công Thông cho biết, lúc 1h30, nhận được tin báo, có đoàn xe tải biểu hiện bất thường đi qua. Đơn vị họp khẩn, cử 1 tổ tuần tra kiểm soát chốt chặn, đón lõng. Bị phát hiện, đoàn xe bỏ chạy theo QL 14C hướng về xã Ia Chía (huyện Ia Grai). Lực lượng truy đuổi, thông báo cho các ĐBP xung quanh hỗ trợ truy bắt. Cuộc rượt đuổi diễn ra kịch tính khi lâm tặc bị giữ lại ở trục đường liên xã, đội 12, làng Kom Ngó, xã Ia Chía. Lâm tặc vứt xe tải bỏ chạy, trốn vào vườn caosu. Sau, hơn 20 đối tượng đi trên xe bán tải, quay lại hiện trường cướp xe và gỗ.
Phó Đồn trưởng nghiệp vụ ĐBP Ia Chía - Dương Ngọc Sơn mô tả: “Lúc đó có CA xã, dân quân xã, KL địa bàn tổng gần 20 người nhưng các đối tượng rất manh động, chúng xô đẩy lực lượng nhảy lên xe, nổ máy bỏ chạy. Mà xe ôtô tải thì quá to, chúng tôi không thể nhảy ra mà chặn được. Anh em nổ súng yêu cầu dừng lại, chúng lao xe vào người, cán nát 3 xe máy”. Ông Sơn nói, lúc ấy không thể bắn vào lốp xe tải vì khu vực xung quanh đông dân cư.
Gia Lai bắt, Kon Tum sơ hở (!)
5 xe chở gỗ, lâm tặc cướp 3 xe, sau đó lần lượt bị bắt lại cách 3km. Tất cả xe tải đều không có biển số; số khung, số máy đã bị đục phá. Tỉnh Gia Lai không bắt được đối tượng nào, cũng chưa thể khẳng định lâm tặc là người tỉnh Kon Tum hay Gia Lai? Cuối ngày 9.10, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai - Dương Mah Tiệp - cho biết, số gỗ vi phạm qua kiểm đếm là 70,4m3.
Biên giới tuyến QL 14C, nối Gia Lai có chốt gác tổng hợp của lực lượng huyện Ia H’Drai (Kon Tum) gồm: Biên phòng, kiểm lâm, dân quân xã, CA xã đóng tại xã Ia Tơi. Xã này lại giáp xã Ia O (huyện Ia Grai) - nơi ĐBP Ia O - nhận tin báo có đoàn xe gỗ chạy qua. Một lãnh đạo KL Gia Lai - giấu tên - nói: “Đa số nguồn gỗ là từ Kon Tum xuống. Đường sông dài như thế, đường bộ hở như thế, kiểu như “thả gà ra đuổi”, Gia Lai chặn bắt bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, giờ nói bắt hết 100% thì không có. Kon Tum sơ hở nhiều quá, lâm tặc tràn sang Gia Lai cũng là dễ hiểu”. Ngược lại, lãnh đạo huyện Ia H’Drai nói: “Ngay cả biên giới Campuchia, dân họ xách gỗ ra bán tùm lum, không biết mấy ông (lâm tặc - PV) có mua không (!?). Nghi là bên Campuchia khai thác rồi bán qua”.
Theo điều tra của PV, gỗ từ Campuchia về Gia Lai buộc đi qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), xuôi theo hướng QL19, từ các huyện Đức Cơ, Chư Prông rồi về TP. Pleiku. Còn từ Cửa khẩu Lệ Thanh về huyện Ia Grai, buộc đi thẳng đến xã Ia Chía, xuyên tỉnh lộ 664 lên TP. Pleiku. Trong khi đoàn xe tải 5 chiếc bị bắt ngày 6.10, hướng đi từ xã Ia O về xã Ia Chía, mà xã Ia O lại giáp ranh xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai).
Trước nghi vấn đường đi gỗ lậu từ huyện Ia H’Drai, Chủ tịch huyện Ia H’Drai - Nguyễn Văn Lộc - thẳng thắn: “Vụ việc xảy ra, huyện đã chỉ đạo kiểm chốt gác xã Ia Tơi, ngày hôm đó thuộc ca nào, ai trực đề phòng trường hợp xấu nhất (tiêu cực) xảy ra. Người và phương tiện qua biên giới thì biên phòng chịu trách nhiệm, còn gỗ đi ra khỏi địa bàn thì KL chịu trách nhiệm, đó là nội quy của chốt”. Ông cho rằng, để khẳng định gỗ từ Kon Tum hay Campuchia thì phải chờ câu trả lời từ CA Gia Lai. Tại Tây Nguyên, Gia Lai được xem là tỉnh quyết liệt đứng đầu về việc chống lâm tặc. Từ vụ 50m3 gỗ bị bắt, Gia Lai “chống đỡ” thế nào, khi các tỉnh lân cận buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tiêu cực (!).
Nguồn: Đình Văn - http://laodong.com.vn/dieu-tra/vu-bat-5-xe-tai-cho-50m3-go-lau-tai-gia-lai-can-dieu-tra-duong-di-go-lau-599929.bld
0 comments :
Post a Comment