IS tạo khói cực độc lan rộng

Trong trận chiến cố thủ ở Mosul, các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đốt một nhà máy hóa chất khiến cho khói độc hại lan tỏa khắp bầu trời Trung Đông.

Trong tuần, NASA đã công bố 2 bức ảnh. Bức đầu tiên do vệ tinh Aqua chụp ngày 22/10, cho thấy cột khói khổng lồ nhạt màu phun lên từ mỏ sulfur Al-Mishraq và cơ sở xử lý bị IS phóng hỏa.
Lính Iraq phải đeo mặt nạ phòng độc khi ở gần nhà máy hóa chất bị IS đốt (Ảnh: Reuters)
Mỏ này nằm cách Mosul khoảng 38km về phía nam, ngay nơi liên quân các lực lượng Iraq và người Kurd đang cố gắng tiến lên tiếp cận Mosul.

Làn khói xám nhạt xuất phát từ nhà máy sulfur, còn làn khói đen thì từ các mỏ dầu bị đốt ở thị trấn có tên gọi Qayara:
Ảnh: NASA Earth Observatory/BI
Sulfur cháy không phải là thứ mà con người không bao giờ muốn hít phải, đừng nói đến việc tiếp xúc với da - hoặc loan tỏa vào cộng đồng. Theo Trung tâm Canada về An toàn và Y tế (CCOHS), khi cháy, sulfur kết hợp với oxy tạo thành sulfur dioxide: một loại khí không màu, cay nhức rất độc hại, thậm chí gây tử vong.

"Những người ở khu vực bị ảnh hưởng của khói cho biết, họ cảm thấy khó thở, cay mắt, nhức mũi và họng khi hít phải khói...", nhà báo Ben Kisling và Gordon Lubold mô tả trong bài viết ngày 23/10 trên Tạp chí Phố Wall, một ngày sau khi IS đốt nhà máy.

NASA cho hay, đám cháy sulfur có thể nhìn thấy rõ từ trên không, bởi vì còn chứa nhiều hóa chất gốc sulfur nguy hại khác.

Bức ảnh vệ tinh thứ 2 chụp ngày 24/10 cho thấy đám mây sulfur dioxide đã lan ra khỏi Iraq và tỏa tới các nước khác, trong đó có Syria và Thổ Nhĩ Kỳ:
Ảnh: NASA Earth Obsevatory
Liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS hy vọng họ sẽ giành lại được các ngôi làng quanh Mosul và sớm tiếp cận được trung tâm thành phố. Nhưng ngoài làn khói độc hại kể trên, họ còn đối mặt với bom ven đường, mạng lưới các đường hầm chằng chịt dưới lòng đất, đánh bom tự sát trong khi dân chúng bị IS dùng làm lá chắn sống.

Nguồn: Thanh Hảo - http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/is-tao-khoi-cuc-doc-lan-toa-khap-trung-dong-the-gioi-vietnamnet-336208.html
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment