Kính gửi ông Nguyễn Đình Cống!
Thưa ông, thật tình cờ tôi được đọc bài viết "Đại bi kịch Việt Nam" đề danh ông trên trang Bauxite Việt Nam. Cá nhân tôi cảm thấy rất thất vọng trước những nhận thức và lập luận của ông trong bài viết. Và nay, tôi xin gửi đến ông đôi dòng để bày tỏ sự thất vọng ấy.
Trước hết, về tổng quát, bài viết của ông là kết quả của một nền tảng tri thức tệ hại và kiểu tư duy "chấm phảy". Ông đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen. Mọi lí luận ông đưa ra đều vô căn cứ hoặc mang tính quy chụp.
Tôi sẽ đi vào phân tích từng lập luận của ông để cho thiên hạ thấy được ông đã bị "mù màu" thế nào!
Thứ nhất, ông nói "Chế độ mang danh XHCN mà thực chất không phải XHCN". Ông bảo: "Trong chế độ XHCN công nhân và nông dân làm chủ nhà máy, ruộng đồng, mọi người sống tự do, hạnh phúc, giáo dục và y tế miễn phí". Vậy theo ông, nông dân hiện nay không có đất hay sao? Công nhân không được làm chủ nhà máy hay sao? Xin hỏi ông nếu nông dân không có đất để làm nông thì cái nền kinh tế Việt Nam 3/4 giá trị của nông nghiệp đến từ đâu? Không lẽ trí thức, tiểu thương, cán bộ vác cuốc đi cày thay nông dân? Hay ông sẽ lý giải bằng vài trường hợp chống đối mà bảo đó là "cướp đất của nông dân"? Thưa ông, ở bất kì quốc gia nào, khi những kế hoạch và biện pháp của chính quyền không được tôn trọng thực thi, việc cưỡng chế là tất yếu và không có gì sai trái. Tôi không nói nội dung những kế hoạch và biện pháp đó đúng hay sai, đã thỏa đáng chưa, bởi đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Ông than cho công nhân không có nhà máy? Ông có biết hàng năm chính phủ kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng thêm nhà máy, khu công nghiệp để làm gì, nếu không phải để phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn công nhân? Chưa kể, công nhân còn có các tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi cho mình. Tôi cũng xin không đề cập đến việc các tổ chức công đoàn đã làm đúng chức năng hay chưa? Bởi đó cũng là một vấn đề hoàn toàn khác và sẽ trao đổi trong một dịp thích hợp.
Thứ hai, ông nói "Nước cộng hòa nhưng hành xử theo kiểu phong kiến" và đưa ra cụm từ "vua tập thể, vua ở trung ương, vua ở các địa phương". Thưa ông, chẳng có "vua" nào hết. Những kẻ lợi dụng chức quyền, mưu cầu lợi ích, đi ngược với nhân dân sớm muộn rồi sẽ bị lôi ra ánh sáng và phải trả giá cho những hành vi sai trái đó. Lịch sử còn đó, từ Trần Dụ Châu tới Trịnh Xuân Thanh, kẻ tội nặng thì tử hình, nhẹ thì phạt tù, cách chức, cảnh cáo. Đủ để thấy, chưa có lúc nào Đảng Cộng sản Việt Nam lơi lỏng công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, xử lý vi phạm, không có chuyện dung túng cho dối trá. Không có sai phạm nào được che giấu mãi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Nói đơn giản, ông không thể quy kết một cách giản đơn hiện tượng cán bộ sai phạm ở địa phương thành bản chất của một chế độ được. Bởi nếu thế, tôi e rằng kiến thức triết học của ông qua thời gian chắc đã mai một nhiều và đang nằm ở mức báo động. Tôi nhắc lại không có "vua" chỉ có tập thể, không có một Đảng/Nhà nước nào cho phép Đảng viên/công chức của nó tha hóa biến chất làm phương hại đến sự tồn tại của nó cũng như trên thế giới tự cổ kim không ai dung dưỡng cho bệnh tật sinh sôi trong cơ thể mình.
Thứ ba, ông nói "Là tư bản man rợ nhưng được ngụy trang bằng định hướng XHCN". Vậy, tôi xin nhắc lại để ông nhớ: Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ (tôi xin nhấn mạnh điều này) đi lên CNXH. Ông có hiểu thế nào là "quá độ" không? Thời kỳ quá độ là thời kỳ lịch sử mà bất cứ một quốc gia nào đi lên chủ nghĩa xã hội cũng đều phải trải qua, ngay cả đối với những nước đã có nền kinh tế rất phát triển, bởi lẽ, ở các nước này, tuy lực lượng sản xuất phát triển cao, nhưng vẫn còn cần phải cải tạo và cần xây dựng quan hệ sản xuất mới, xây dựng nền văn hoá mới. Dĩ nhiên, đối với những nước thuộc loại này, về khách quan có nhiều thuận lợi hơn, thời kỳ quá độ có thể sẽ diễn ra ngắn hơn. Đối với Việt Nam, xuất phát điểm là một nước thuần nông mà di chứng nông nghiệp ngàn đời đã để lại những ảnh hưởng rõ nét trên cả kinh tế, văn hóa, con người. Mầm mống tư bản chủ nghĩa nước ta có nhưng yếu và thiếu. Mà nếu xét thẳng ra cũng chả có gì, bởi nền kinh tế, hạ tầng công nghiệp què quặt do chính sách thực dân của Pháp bóp nghẹt, hút máu suốt gần 100 năm, đó còn chưa kể những hậu quả nặng nề của những năm tháng chiến tranh dai dẳng. Việt Nam đang ở trong thời kỳ xóa bỏ tàn dư lạc hậu của những cái cũ, dần xác lập cái mới để tạo ra tiền đề đi lên CNXH. Trước 1986, chúng ta đã sai lầm khi quá nóng vội, đốt cháy giai đoạn xây dựng CNXH mà chưa đánh giá đúng mức nền tảng phát triển. Nhưng đến sau 1986, Việt Nam đổi mới, không duy trì nền kinh tế bao cấp mà xây dựng nền kinh tế thị trường, điều đó không phải là sự từ bỏ lý tưởng CNXH mà chính là để mở rộng thành phần kinh tế, thông qua đó phát triển lực lượng sản xuất tạo ra những tiền đề cần thiết để xây dựng CNXH. Nền kinh tế thị trường phát triển đương nhiên tạo ra những tác động tới xã hội Việt Nam trong đó có tác động tiêu cực vì vậy cần phải định hướng để đảm bảo sự phát triển ấy vẫn theo đúng con đường, mục tiêu mà lịch sử và nhân dân đã chọn.
Thứ tư, ông nói "Rập khuôn theo phát xít nhưng lại hô hào dân chủ". Ông đưa ra những lập luận lấp liếm cho sự tương đồng giữa CNXH và CN phát xít nhằm đánh lừa người đọc. Ông nên nhớ rằng mô hình nhà nước XHCN đã được Mác - Ănghen nêu ra trong các học thuyết và Lê-nin cụ thể hóa trước khi Chủ nghĩa phát xít của Hít-le, Mút-xô-li-ni hình thành và nhà nước phát xít thành lập, tức là nó chả liên quan gì nhau và việc Việt Nam xây dựng một hệ thống chính trị, một nhà nước theo học thuyết Mác - Lê càng chẳng liên quan gì đến CN phát xít. Một điều nữa, ông đã quên hoặc cố tình không nêu sự khác nhau cơ bản giữa bản chất của hai hệ thống chính trị đó. Hệ thống chính trị phát xít xoay quanh mọi điều hành của lãnh tụ độc tài, phục vụ chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng của lãnh tụ độc tài. Nói là Đảng Quốc xã song thực chất Hit-le, Mút-xô-li-ni nắm toàn quyền quyết định. Mọi thành phần khác trong Đảng Quốc xã đều không có vai trò hoặc rất mờ nhạt. Ngược lại, hệ thống chính trị vô sản xoay quanh sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, trong đó Tổng Bí thư được bầu ra theo nhiệm kỳ để làm người đại diện và lãnh đạo tối cao. Đảng Cộng sản và tổ chức chính trị của mình phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và đông đảo nhân dân lao động. Xuất phát từ giai cấp đông đảo nhất-lực lượng sản xuất chính của xã hội thế nên Đảng Cộng sản chỉ đóng vai trò lãnh đạo quần chúng, hoàn toàn khác các đảng tư sản vốn chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thượng tầng chiếm số ít, muốn thông qua chính Đảng tư sản để cai trị toàn xã hội.
Thứ năm, ông nói "xã hội Việt Nam hiện nay là sự trộn lẫn các phần của CNXH, phong kiến, tư bản, phát xít, mà thảm thương thay lại chủ yếu là trộn lẫn những phần xấu xa nhất, tệ hại nhất của từng chế độ để tạo nên một đại bi kịch cho xã hội". Thưa ông, phải chăng khi nói như vậy, ông đã gộp cả chính bản thân ông vào trong đó? Hay ông lại tách mình khỏi xã hội Việt Nam? Xã hội Việt Nam hiện nay là xã hội của thời kỳ quá độ, chuyển giao giữa cũ và mới, mọi thứ vẫn còn bề bộn, đòi hỏi phải có bước chuyển hóa trong nhiều năm, không thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Và ông cũng quên mất rằng, dân tộc này, xã hội này vẫn còn có những giá trị tốt đẹp xuất phát từ truyền thống lịch sử lâu đời. Những giá trị về tình đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước đã được kết tinh và lan tỏa mạnh mẽ, trường tồn qua mọi thời kỳ lịch sử. Ông chê xã hội Việt Nam có nhiều vấn nạn vậy phiền ông hãy nêu quốc gia nào mà không có vấn nạn. Hay ông lại lôi nước Mỹ "thần thánh" để ngợi ca xưng tụng? Xã hội nào cũng có tiêu cực vì thế đấy không phải là tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Điều quan trọng là người ta đấu tranh với nó như thế nào. Chúng ta chưa bao giờ cho phép những vấn nạn đó tồn tại và sẽ phát hiện đấu tranh tới cùng.
Một lần nữa, tôi bày tỏ nỗi thất vọng của mình đối với ông, Nguyễn Đình Cống. Đặc biệt tôi còn buồn hơn khi biết rằng ông đã mang học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ. Tôi tiếc rằng, một Giáo sư, tiến sĩ như ông lẽ ra phải có cái nhìn toàn diện, đa chiều, sâu sắc thể hiện đúng tầm cỡ của một nhà khoa học nhưng tiếc thay...
Cuối thư, tôi chỉ chúc ông sức khỏe, chúc ông sớm có lại được sự minh mẫn cần thiết để có thể cống hiến thêm một chút gì đó cho khoa học vào những năm tháng sương mai này.
ĐỨC TRỊNH
Ông Nguyễn Đình Cống nên dừng việc viết lách. Những bài viết của ông quả thực không thể "ngửi" và "tiêu hóa" nổi.
ReplyDelete