Cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí

Sáng ngày 26/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí định kỳ tháng 10. Tới dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo; đại diện một số cục, vụ chức năng thuộc Bộ.

Tham dự hội nghị có bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính - tư pháp, Bộ Công an; Phạm Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận hội nghị

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đã trình bày báo cáo tình hình nhân quyền trong tháng; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính – tư pháp, Bộ Công an trình bày chuyên đề Công ước chống tra tấn và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi triển khai thực hiện Công ước; bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ những đề xuất tuyên truyền trên báo chí trước việc Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 30/9/2016 ra Báo cáo đưa ngành da giày và dệt may Việt Nam vào danh mục hàng hóa được sản xuất bởi lao động trẻ em, lao động cưỡng bức; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã chia sẻ quan điểm cơ bản xây dựng Luật về Hội và một số nội dung chính của dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý: “Nhân quyền là vấn đề hết sức nhạy cảm, thường xuyên bị thế lực thù địch, thế lực xấu lợi dụng để chống phá. Bởi vậy, các phóng viên, nhà báo cần hết sức thận trọng, tỉnh táo khi đặt bút viết về nhân quyền”.

Ngoài việc có bản lĩnh chính trị, phóng viên, nhà báo viết về vấn đề nhân quyền cần phải cập nhật thông tin, nắm vững các văn bản luật, nắm vững khái niệm để khi viết ra phải chuẩn mực, tránh phản tác dụng khi viết ra.

Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề nghị các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, phối hợp tốt hơn với báo chí, có đầu mối cung cấp thông tin cho phóng viên liên hệ làm việc để nắm rõ hơn vấn đề. Đặc biệt, cần lường trước những vấn đề có thể sẽ bị thế lực xấu lợi dụng, hoặc những vấn đề khó, dễ hiểu lầm, thường xuyên phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT tổ chức tốt việc định hướng, đưa thông tin chuẩn xác, đúng định hướng.

Chia sẻ thêm về kỳ họp Quốc hội đang diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều sự cố như thiên tai, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý: “Nhiều vấn đề có thể dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Các phóng viên, nhà báo đừng chỉ nhìn hiện tượng mà từ hiện tượng phải nhìn ra bản chất, tránh tiếp tay cho thế lực xấu. Thông tin trong nước và đối ngoại về những vấn đề này phải kết hợp hài hòa và phải chọn lọc. Mặt khác, các báo điện tử phải kiểm soát chặt các bình luận. Nhiều khi báo đưa nội dung thì tốt nhưng bình luận trái chiều lại trở thành phản tác dụng".

Nguồn: Xuân Lộc - http://ictvietnam.vn/tieu-diem/can-chu-dong-cung-cap-thong-tin-kip-thoi-cho-bao-chi.htm
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment