Vui vì nói được nỗi bức xúc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, song thầy giáo Châu vẫn thấp thỏm mong chờ nguyện vọng của mình được giải quyết.
Ba ngày sau khi bày tỏ nguyện vọng đến ông Đinh La Thăng trong cuộc tiếp xúc cử tri hôm 5/10, thầy giáo Trần Thái Châu (26 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) nói rằng vẫn thấy hồi hộp, xúc động.
"Lúc bước vô hội trường và sắp đến lượt mình phát biểu, tôi run lắm. Khi bác Thăng chỉ đạo các cơ quan rốt ráo, tôi vẫn run. Tôi rất ấn tượng về Bí thư thành phố bởi sự quyết liệt trong giải quyết vướng mắc của người dân. Tôi mong chờ từng ngày việc của mình được giải quyết", thầy Châu nói.
Thầy Châu vẫn lo lắng sau khi bày tỏ nguyện vọng với Bí thư TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Bốn năm trước, vừa tốt nghiệp cử nhân sư phạm Đại học Sài Gòn, Trần Thái Châu dự thi đợt tuyển dụng giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nhưng không đậu. Năm 2014, anh thử sức trong đợt tuyển dụng giáo viên ở Phòng Giáo dục huyện Hóc Môn nhưng thất bại. Đến tháng 7/2015, anh mới đậu và được nhận vào trường THCS Phan Công Hớn dạy hợp đồng với mức lương 2,1 triệu đồng mỗi tháng.
Vài tháng đầu không được nhận lương, thầy Châu lên hỏi lãnh đạo trường và Phòng Giáo dục huyện, được giải thích là do chưa được bổ nhiệm chức danh giáo viên chính thức.
Đến giữa tháng 9 vừa qua, thời gian thử việc đã hết nhưng thầy Châu vẫn chưa nhận được quyết định tuyển dụng viên chức để nhà trường làm căn cứ hoàn tất hồ sơ kết thúc tập sự, ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên. Trong suốt một năm nay, thầy Châu vẫn chưa nhận được đồng lương nào.
Lãnh đạo trường Phan Công Hớn đã linh động ứng lương cho thầy mỗi tháng 1-2 triệu đồng, song đây như một hình thức vay mượn. "Chi tiêu mỗi ngày của tôi không nhiều, chủ yếu là xăng xe đi lại. Buổi trưa tôi tranh thủ về nhà ăn cơm với gia đình để tiết kiệm tiền", thầy Châu nói và cho biết thời gian rảnh phụ bán quán cà phê với ba mẹ.
Vừa qua, nghe tin ông Đinh La Thăng về địa phương tiếp xúc cử tri, anh mạnh dạn đăng ký với ban tổ chức để được kể câu chuyện của mình với người đứng đầu Thành ủy TP HCM.
Làm thầy giáo là ước mơ từ bé của anh. Hồi sinh viên, anh nhận dạy kèm mấy đứa trẻ trong khu phố. "Tụi nhỏ là con các cô chú lao động nghèo, không có tiền học thêm. Mỗi tháng họ trả cho mình chút thù lao, đủ tiền đi xe buýt lên thành phố học mỗi ngày mà không phải xin tiền gia đình. Dạy học cho các em làm tôi vui lắm vì tôi chỉ thích làm nghề giáo", anh Châu nói.
Những đứa trẻ do anh kèm cặp, có em đã học cấp ba và vẫn gọi anh bằng "thầy" mỗi khi gặp. Ngoài công việc trên trường, anh Châu còn là tổ trưởng dân phố nên cuối tuần lại bận công việc do phường giao như họp dân cư; đi vận động, tuyên truyền pháp luật, y tế... cho bà con.
Hiện, anh Châu đang sống với ba mẹ và cô em út trong ngôi nhà cấp bốn trên đường Trưng Nữ Vương, thị trấn Hóc Môn. Gia đình khó khăn, thu nhập bấp bênh nhưng chưa bao giờ anh muốn đổi nghề. "Nghề giáo là ước mơ rồi gắn bó với mình bao năm rồi, không dứt ra được. Tôi luôn cố gắng để đến một ngày mình được ổn định để sống với nghề", thầy Châu chia sẻ.
Mẹ thầy giáo Châu chuẩn bị công việc bán quán cà phê. Ảnh: Mạnh Tùng
Cha mẹ thầy Châu cho biết rất vui mừng vì chuyện con trai được Bí thư Thành ủy giải quyết. "Không ngờ nó may mắn vậy, được nói chuyện với bác Thăng. Tôi nghĩ cấp lãnh đạo sẽ quan tâm để nó có lương, ổn định công việc", ông Trần Yều (cha Châu) nói.
Trong mắt ông, Châu là đứa trẻ nhút nhát, hiền lành và chịu khó. "Từ nhỏ đến giờ việc đi chợ mua đồ về để bán quán hay nấu ăn cho gia đình đều do nó làm. Nhìn vậy thôi chứ khéo tay, nấu ăn được lắm", người cha mỉm cười.
Những người hàng xóm mấy bữa nay cũng được dịp bàn tán câu chuyện của thầy Châu. Ai cũng thương và tỏ ra bất ngờ khi hình ảnh của anh ngập tràn trên báo. "Nó hiền và nhát lắm. Tôi được đứa cháu cho đọc tin xong mà phải thốt lên 'trời ơi thằng Châu sao gan vậy'", cụ bà hàng xóm kể.
Nguồn: Mạnh Tùng - http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/thay-giao-bi-thu-viec-khong-luong-van-hoi-hop-tu-hom-gap-bac-thang-3480183.html
0 comments :
Post a Comment