Theo luật định công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam, nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường lại có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.
Ngày 17/7, trả lời câu hỏi của VnExpress vì sao Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bà Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo ông Phúc, Hiến pháp quy định “Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Và tại điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Như vậy, đạo luật nêu trên đề ra nguyên tắc một quốc tịch, việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ, trong đó chủ yếu là áp dụng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
“Căn cứ vào Luật Quốc tịch thì Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là công dân Việt Nam, lại đăng ký thêm một quốc tịch nước ngoài nữa. Có hai quốc tịch là vi phạm quy định nêu trên”, ông Phúc nói và xác nhận bà Nguyệt Hường có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.
Ông Phúc cho biết thêm, Hội đồng bầu cử quốc gia mới phát hiện ra vi phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từ sau phiên họp thứ bảy ngày 15/7, vì vậy phải họp khẩn cấp phiên thứ tám vào chiều 17/7 để xem xét, biểu quyết tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 của bà này.
Ngoài lý do dẫn đến việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 nêu trên, đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia chưa cung cấp thêm nội dung nào khác.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trong một lần phát biểu tại Quốc hội khoá 13. Ảnh:N.A
|
Chiều 17/7, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa 14 và cá nhân có đơn xin rút.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970, quê xã Thành Lợi (Vụ Bản, Nam Định), là cử nhân Ngôn ngữ, cử nhân Anh văn, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Bà từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13.
Hiện bà Nguyệt Hường là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.
Với việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và trước đó là ông Trịnh Xuân Thanh, Quốc hội khóa 14 hiện còn 494 đại biểu.
Nguồn:http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-ba-nguyet-huong-khong-duoc-xac-nhan-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-3437809.html
Không biết con số 494 đại biểu đã là con số cuối cùng chưa? Một năm với nhiều điều mới mẻ và biến động. Mong rằng Đảng, Chính phủ luôn sáng suốt và sàng lọc ra đội ngũ lãnh đạo đất nước tinh hoa nhất. Tuy nhiên vụ việc của bà Nguyệt Hường quả thực phát hiện còn muộn quá. Có vấn đề gì chăng?
ReplyDeleteSao đến giờ này mới lòi ra vấn đề này cơ chứ? Xin hỏi ban xét tư cách đại biểu Quốc hội sinh ra để làm gì cơ chứ? Lẽ nào nhầm lẫn? Xin lỗi có mà lầm lỡ ấy ạ.
ReplyDeleteMặt trận rà soát không kỹ rồi. Còn đến tận 3 lần hiệp thương mà vẫn ko kiểm tra chính xác được lý lịch. Đợt tới mà còn thế này thì dân, lãnh đạo ko lo mới là lạ.
ReplyDeleteNói chung luật là luật không thể bàn cãi dù cho ông tài bà giỏi như thế nào, nếu tạo ra tiền lệ không tốt thì sau này cực kỳ khó quản lý và tạo thế cho sự can thiệp vào nội bộ nước ta của các thế lực bên ngoài. Luật quy định rồi, là công dân của VN chứ k phải công dân nước khác
ReplyDelete