Mổ sọ nhầm bên

BS. Võ Xuân Sơn - Ảnh. Internet

Vài ngày trước, nhân sự cố “mổ nhầm chân” tại Bệnh viện Việt Đức, tôi đã  viết chia sẻ rằng mình cũng từng mổ nhầm bên.


Cách đây 15 năm, tôi từng rạch da, khoan sọ nhầm bên trái thành bên phải trong một trường hợp bị tụ máu trong não. Tôi nhầm lẫn khi rạch da và khoan sọ, chưa đi vào màng não nên chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng tôi tự đứng ra báo cáo và nhận trách nhiệm. Sự cố ấy đã ám ảnh tôi trong nhiều năm.

Tôi kể lại chuyện của mình, với mong muốn mọi người hiểu hơn về những gì các bác sĩ phải trải qua. Nhưng bên cạnh những ý kiến thông cảm, những ý kiến lo lắng rằng có thể tôi lại nhầm lẫn nữa, là rất nhiều câu chửi bới, nhục mạ trên trang Facebook của tôi: “Đi chết đi”, “Đồ vô lương tâm”, “Bác sĩ gì, đồ tể thì có”, “Chắc là mua bằng”...

Trên các diễn đàn khác, ý kiến còn nặng nề hơn. Người ta chĩa mũi dùi vào cá nhân bác sĩ, vào bệnh viện, vào nền y tế Việt Nam, thậm chí cả thể chế cũng được lôi vào.

Kể từ khi bắt đầu hành nghề, tôi đã mổ khoảng 20.000 ca. Đại đa số là thành công, hàng chục nghìn người được cứu sống, chỉ có một ca tôi mắc sai sót về nhầm lẫn bên. Người Nam bộ có câu “Một lần đạp phân, một lần chặt chân” để mô tả cách xử lí cực đoan những sai sót. Tại sao không rửa cái chân? Tại sao không làm cho người ta chú ý hơn đến điều mình đã mắc sai lầm?

Câu thành ngữ này có thể dùng để nói với những người có thiện chí, thực sự mong muốn giải quyết vấn đề. Nhưng vẫn còn rất nhiều người tìm thấy sự giải toả trong việc “chặt chân” người khác. Khi sự cố y tế xảy ra, bác sĩ ngay lập tức được quy kết là kẻ phản diện, độc ác. Sự cố y tế được quy kết về cái “tâm” và tạo ra tâm lý thù ghét cá nhân. Trạng thái tâm lý này cũng tạo ra một tình trạng không hiếm gặp: hành hung bác sĩ ngay tại bệnh viện.

Tất nhiên, sự mất niềm tin cũng có một phần nguyên nhân từ chính những cá nhân tiêu cực, yêu sách và vô cảm trong bệnh viện. Chính tôi đã viết về điều này trong bài “Kền kền trong bệnh viện”. Nhưng đại đa số, những sự cố xảy ra ngoài chủ đích của người làm nghề y, không ai mong muốn.

Có ai trong chúng ta cả cuộc đời không bao giờ phạm phải sai lầm? Theo cơ quan an toàn bệnh nhân Vương quốc Anh, từ 9/2001 đến 1/2002, có 44 ca mổ sai chỗ và sai kỹ thuật. Từ 1990 đến 2003, người ta đã xác định có 119 ca mổ sai chỗ ở Vương quốc Anh. Hội bảo hiểm thầy thuốc Mỹ cho biết có 331 vụ kiện cáo liên quan đến mổ sai chỗ trong năm 1985-1986. Theo một tài liệu của Medscape, được công bố năm 2011, sau khi đã có hàng chục tổ chức đưa ra các biện pháp an toàn bắt buộc, như đánh dấu vùng mổ từ trước, tổ chức nhiều tầng nấc kiểm tra, sử dụng bảng đánh dấu... số liệu mổ sai chỗ ở Mỹ là khoảng... 40 ca một tuần.

Như vậy, đây không phải sai sót quá hiếm gặp, và không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nơi mọi người vẫn còn nghi ngờ trình độ của các bác sĩ. Trong những vụ sai sót mổ nhầm chỗ ở các nước có nền y tế tiên tiến, tất cả các bệnh viện, các tổ chức về an toàn người bệnh, kể cả của chính phủ, đều nhắm vào việc sửa chữa quy trình, nâng cao độ tập trung của cả ê-kíp phẫu thuật bằng cách giảm quá tải, giảm các tác động ngoại lai. Gần đây, việc công khai thông tin về các sự cố y khoa được đưa ra, như một biện pháp nhằm phổ biến kinh nghiệm cho y giới, giúp tìm ra các biện pháp phòng ngừa, tránh để xảy ra các sự cố tương tự.

Ở nhiều quốc gia, người ta quan niệm sai sót y khoa là điều không mong muốn, họ tập trung giải quyết hậu quả, tìm cách để nó đừng xảy ra nữa. Họ không tìm cách tấn công các bác sĩ, càng không chửi bới, miệt thị, đe doạ, hành hung bác sĩ và nhân viên y tế.

Người mắc sai sót chắc chắn phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi mong người ta hướng tới việc xem xét lại quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng mới, bởi vì con người sẽ không thể tránh được sai lầm suốt đời.

Nếu chỉ hướng mũi dùi về cá nhân, có thể là chúng ta cũng đang “mổ sọ nhầm bên” cho các vấn đề của ngành y tế.

Nguồn: BS. Võ Xuân Sơn - http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/mo-so-nham-ben-3440313.html
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment