Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều 69 Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã nêu rõ:
“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.”
Kỳ bẩu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020, được đặt rất nhiều kỳ vọng. Điều đó được thể hiện không chỉ ở công tác chuẩn bị của Hội đồng Bầu cử quốc gia mà còn thể hiện ở từng người dân tham gia bầu cử. Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân nhiều lứa tuổi khác nhau quan tâm, xem xét, nghiên cứu rất kỹ tiểu sử, trình độ những ứng cử viên để có sự lựa chọn chính xác nhất. Bên cạnh đó, việc những ứng cử viên phải trải qua rất nhiều vòng sơ loại cũng cho thấy sự chuẩn bị hết sức tỉ mỉ của kỳ bầu cử quốc gia lần này nhằm lựa chọn những người đủ đức, đủ tài gánh vác trọng trách.
Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Đi bầu cử là quyền của mỗi người dân, là sự lựa chọn của họ cho cơ quan đại diện cao nhất chính là Quốc Hội (đại diện cho tiếng nói của nhân dân); nhưng cũng là nghĩa vụ của họ phải tham gia để xây dựng đất nước. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ đó.
Nguyễn Hòe
0 comments :
Post a Comment