Trong báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng, nội dung Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được trình bày thành mục riêng (Mục XII). Đây là cách trình bày mới so với các văn kiện Đại hội trước đây của Đảng. Với cách trình bày thành một nội dung độc lập, một thành tố quan trọng trong Báo cáo chính trị đã thể hiện: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới được Đảng ta nhận thức và nâng lên tầm cao mới, khẳng định vị trí, vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo cáo chính trị khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Công sản Việt Nam lãnh đạo…”.
Quán triệt và tiếp thu quan điểm về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc của các kỳ Đại hội trước, Đảng ta luôn khẳng định, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nguyên tắc, là nguồn gốc tạo ra sức mạnh của Đảng. “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng trình bày khái quát hơn, toàn diện hơn, bao gồm các nội dung như: vị trí, vai trò, thực trạng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và những vấn đề lớn của đất nước; phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát huy các thành tố cấu thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp và do Đảng ta lãnh đạo; việc hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định vai trò của Nhân dân trong những vẫn đề lớn của đất nước; bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.
Để đoàn kết toàn dân tộc thực sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần nhận thức và phát huy tối đa mọi nguồn lực, mọi lực lượng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã đề cập.
Phát huy vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, phát động, triển khai nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội…
“Quan tâm giáo dục, đạo tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng lẫn chất lượng, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp”, đa dạng hoá về ngành nghề, trong tất cả các thành phần kinh tế, giữ vai trò nòng cốt trong việc tiếp thu và làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng vào việc hình thành các ngành công nghiệp hiện đại và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
“Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất của đất nước, là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp”.
Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hoá về ngành nghề, luôn đi đầu trong các hoạt động về khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế tri thức tạo ra nhiều công trình, sản phẩm khoa học có giá trị cao, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao; chăm lo xây dựng đội ngũ công chức, viên chức về chất lượng, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo và văn hoá của nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo sự bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hoà quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo, giúp nhau cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước; Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Những đóng góp to lớn của các giai cấp, tầng lớp xã hội nêu trên là những yếu tố cực kỳ quan trọng, là động lực chủ yếu đảm bảo ổn định chính trị – xã hội và thúc đẩy đất nước phát triển. Để có thể phát huy tối đa các nguồn lực, lực lượng nói trên cần làm cho cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp uỷ đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản, đồng thời cũng là những định hướng lớn về phát suy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay là:
1. Lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, củng cố, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc không thể chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích đó.
2. Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay, là quyền làm chủ đất nước của nhân dân phải được tôn trọng. Pháp luật phải đảm bảo để nhân dân thực sự là người làm chủ vận mệnh của đất nước, như Hiến pháp 2013 (sửa đổi, bổ sung) đã quy định.
3. Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Theo đó, qua hoạt động của mình, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ đó luôn luôn bền chặt, ý Đảng phù hợp với lòng dân.
4. Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải sát cuộc sống, đáp ứng lợi ích của nhân dân – cũng có ý nghĩa là lợi ích của Nhà nước.
Trọng Dũng
0 comments :
Post a Comment