Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta rất quan tâm tới vấn đê bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững. Đảng ta khẳng định: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường”. Như vậy, có thể thấy Đảng ta xác định trong quá trình phát triển kinh tế cần bảo vệ những yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững, trong đó có yếu tố bảo vệ môi trường.
Formosa - tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đài Loan - đầu tư lớn vào dự án Vũng Áng - Hà Tĩnh. Đây là dự án có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Trong sự việc cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung trong tháng 4/2016, mọi nghi vấn hiện đang dồn về phía Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với đường ống xả thải ngầm dưới biển. Nghi vấn này có cơ sở của nó, khi mà tập đoàn Formosa là tập đoàn đã từng mang nhiều tai tiếng về các hành vi vi phạm môi trường ở Đài Loan và tại các quốc gia khác.
Formosa nhận giải “Hành tinh đen” năm 2009 - giải do Ethecon, 1 tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức - dành cho những cá nhân/tổ chức phá hủy môi trường.
Vấn đề đặt ra là với chiến lược phát triển kinh tế từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, liệu có phải đánh đổi với sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống sinh hoạt và quá trình lao động sản xuất của người dân tại dải ven biển miền Trung không. Câu hỏi ấy càng đặt ra dữ dội hơn khi Phó phòng đối ngoại Formosa Hà Tĩnh Chu Xuân Phàm phát ngôn rằng: “nhiều khi phải lựa chọn giữa cá và nhà máy thép”. Phát ngôn trên gây phẫn nộ lớn trong dư luận bởi nó đi ngược với đường lối của Đảng ta đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu phát triển kinh tế phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trả lời cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định: quan điểm của Bộ không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường.
Vẫn biết như vậy, nhưng tôi đánh giá đây là bài toán không dễ đưa ra câu trả lời, bởi thực tế, các nhà máy thép là những nhà máy trong quá trình hoạt động sẽ sản sinh nhiều chất độc hại. Công nghiệp sản xuất thép là ngành công nghiệp khó thân thiện với môi trường, việc áp dụng các biện pháp xử lý chất thải hết sức phức tạp và gây tốn kém không nhỏ (khoảng 20-30% tổng vốn đầu tư của một nhà máy thép) và phải được kiểm soát chặt chẽ về quy trình. Trong khi đó, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Formosa lại có sự độc lập nhất định, cơ quan nhà nước rất khó kiểm soát, quản lý. Quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đòi hỏi phải tiết kiêm chi phí tối đa nên việc cắt giảm chi phí liên quan tới xử lý chất thải là điều thường thấy. Vì thế, trong thời gian tới, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần đề ra các quy định cụ thể hóa quan điểm của Văn kiện Đại hội Đảng lần thư XII về bảo vệ môi trường, đồng thời giám sát hết sức chặt chẽ với những dự án của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Formosa, bảo vệ sâu sát hơn nữa đời sông của người dân, nhất là ở những khu vực vốn đã thường xuyên phải gánh chịu thiên tai như dải ven biển miền Trung nước ta../.
Phương Nam
0 comments :
Post a Comment