NHÀ BÁO KHÔNG ĐƯỢC VỤ LỢI

Tại diễn đàn "Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 17/3/2017, ông Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Nhà báo không viết bài vì... "cái phong bì". Cũng tại Diễn đàn này, nói về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với nghề báo, nhà báo Minh Nam - Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Phát triển của mạng xã hội đã giúp báo chí phát triển về mọi mặt nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí chuyên nghiệp. Trong kỷ nguyên số đang có quá nhiều thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin tiêu cực, vô bổ… khiến vấn đề đạo đức báo chí… nóng hơn bao giờ hết.".

Theo ông Nam, mạng xã hội là công cụ để báo chí khai thác thông tin, liên lạc nguồn tin nhanh nhất. Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ mạng xã hội hoàn toàn không phải là việc xấu, thậm chí là cần thiết và mạng xã hội thực sự sẽ là nơi mỗi người cầm bút có thể thu thập, phát hiện những vấn đề, phát hiện nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, trên thực tế những thông tin không đúng sự thật, có động cơ, mục đích xấu trên mạng xã hội cũng đã và đang để lại những hậu quả khôn lường. Hậu quả tiêu cực từ việc khai thác thông tin bừa bãi, thiếu kiểm soát từ mạng xã hội đang trở thành nỗi quan ngại lớn của làng báo Việt Nam. Nhiều tham luận cho rằng, một số phóng viên, đặc biệt là những người trẻ, đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin theo kiểu truyền thống, chuyển qua đi “săn” tin trên mạng xã hội, rồi xào xáo để biến thành bài viết của mình, tạo nên xu hướng tác nghiệp tiêu cực.


Tại diễn đàn, nhiều nhà báo khẳng định, cách làm báo tùy tiện như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trực tiếp làm suy giảm niềm tin của người đọc...Trên thực tế, nhiều người làm báo bắt đã đánh mất mình, để trục lợi, viết sai sự thật, dùng ngòi bút để đánh lận đỏ đen, lập lờ sự việc, ăn cắp bản quyền qua mạng, bất chấp hậu quả, miễn là đạt được lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc lưu ý, mỗi nhà báo phải hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Ông Lộc cho rằng: "Nhà báo không được vụ lợi. Trong điều kiện hiện nay 2 chữ vụ lợi đang trở thành vấn đề gay gắt nhất". "Mỗi người làm báo phải ý thức sâu sắc rằng không phải vì cái phong bì mà chúng ta viết và cũng không phải vì cái phong bì mà chúng ta không viết. Trong thực tế, chưa bao giờ vấn đề này lại cấp bách như hiện nay", Ông Lộc chia sẻ.

Ông Lộc nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số, nhà báo phải có chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác.

Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam Phan Hữu Minh cho biết, sẽ thành lập Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức làm báo Việt Nam. Theo đó, Hội đồng gồm 2 cấp: Ở Trung ương sẽ có 1 Ban gồm 23 đồng chí là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo, lãnh đạo ở 1 số cơ quan báo chí lớn, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... Ban Trung ương có nhiệm vụ xử lý người làm báo vi phạm đạo đức đã được kết luận. Hình thức kỷ luật cao nhất là tước thẻ Hội viên Hội Nhà báo, khai trừ ra khỏi Hội Nhà báo, việc làm này đồng nghĩa với việc thu hồi thẻ nhà báo. Ở cấp tỉnh, thành viên của Hội đồng là lãnh đạo Hội nhà báo các tỉnh, lãnh đạo các sở thông tin - truyền thông, ban tuyên giáo... Hình thức xử lý từ của Ban này có thể là cảnh cáo, khiển trách, hoặc phê bình.

GẠO LỨT
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment