NHỮNG NGHỆ SĨ TRÁO TRỞ

Vốn trước tôi vẫn thường mượn những mẩu chuyện bên bàn trà nước để nói về trăm sự ở đời, phê phán những điều sai trái, răn dạy những kẻ vô luân. Nhưng lần này, trước một sự việc đã đi quá giới hạn, tôi không muốn dông dài mà đi vào vấn đề luôn.

Việc mà tôi muốn nói đến là mấy ngày qua, trên các trang mạng lan truyền đoạn video clip có nội dung bàn luận về chị Võ Thị Sáu. Tôi không lạ khi Nguyễn Quang A tham gia vào vụ việc này. Tôi cũng chẳng thèm đếm xỉa đến y làm gì. Nhưng đáng buồn, đã có rất nhiều những gương mặt nổi tiếng của giới trí thức như Nguyễn Duy, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Hưng, Hoàng Dũng....xuất hiện trong đoạn clip.

Tôi không muốn nói về những điều mà các ông đã bàn luận về chị Võ Thị Sáu bởi nếu nhắc tới, nó thực sự là điều sỉ nhục, một nỗi hổ thẹn, một sự bất kính tột cùng đối với người đã khuất. Lương tâm của một con người không cho phép và với một giáo viên thì càng không.

Tôi chỉ muốn nói rằng tất cả những thứ các ông nói đều là dối trá, đơm đặt. Làm sao các ông có thể nói ra những điều đó? Các ông đều là nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức mà trong đời đã kinh qua không biết bao nhiêu loại sách vở. Các ông mang trên khuôn mặt vẻ đạo mạo, cao quý của người có học vậy mà hành động lại không khác gì quân vô lại. Các ông không thấy tủi hổ khi thốt ra những lời đó sao? Thật kinh tởm.
Chán chẳng buồn nói với đám trí thức nửa mùa

Tôi biết các ông có thể lấy ra hàng trăm lí do, nào là theo lời người này,  nào thì theo cuốn sách kia, theo thông tin của ông A, bà B mà cá nhân các ông từng tiếp xúc v.v.... Nhưng thưa các ông, người trí thức không phải là người bị chi phối bởi những cuốn sách hay như con bò nhai lại những tri thức, tư tưởng của người khác, người trí thức chính là người biết phân tích, nhìn nhận cội nguồn của kiến thức, tư tưởng mà mình được tiếp cận, từ đó đúc kết thành nhận thức cá nhân. Sách là một phần giá trị văn minh nhân loại, nhưng không phải cuốn sách nào cũng đúng, cũng hay. Suy cho cùng, mỗi cuốn sách đều phản ánh tư tưởng của người viết thông qua những trải nghiệm của cá nhân người đó. Đấy là tôi không nói đến những kiểu thông tin truyền tai, dạng "tam sao thất bản", không đáng tin. 

Thêm nữa, tôi cho rằng hành động ấy cho thấy sự bế tắc của chính các ông trước cuộc sống. Thời cuộc xoay vần, tư tưởng con người cũng biến thiên, điều đó tôi hiểu. Nhưng thứ tôi hiểu hơn cả đó là các ông đang cảm thấy bất lực khi không tìm ra lời giải cho những thứ tiêu cực còn tồn tại trong cuộc sống. Điều đó khiến các ông cảm thấy hoài nghi. Chính sự hoài nghi đó đã đưa đẩy các ông đến với chủ nghĩa xét lại, hoài nghi lịch sử. Vậy có khi nào các ông hoài nghi về chính những lời nói của mình? Hoài nghi về cả tổ tiên, nguồn gốc của mình? 

Buồn hơn nữa, tôi không ngờ tôi đã từng dạy, từng kể cho các thế hệ học sinh của mình về những tác phẩm của các ông bằng một tình yêu văn chương tột đỉnh. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên đứng bục giảng tôi đã phấn khởi, say sưa thế nào khi giảng về "Tre Việt Nam", đã đối mặt với những con mắt tò mò của học sinh khi cố gắng nói cho chúng nghe những quan điểm "lạ đời" của Phạm Xuân Nguyên về văn chương cách tân.  Đau đớn thay. Còn cú sốc nào lớn hơn thế....

Các ông có thể giữ những quan điểm thối nát ấy khi các ông vẫn mang trong đầu thứ chủ nghĩa xét lại hay đứng trên góc nhìn của đám vô chính phủ, không phân biệt được Chính - Tà. Đó là quyền tự do tư tưởng của các ông. Tôi nghĩ nếu các ông còn liêm sỉ thì tự vấn lương tâm mình. Mỗi khi các ông mở miệng nói những lời khốn nạn, đừng vỗ ngực xưng là nhà văn, nhà thơ. Đừng biến thành những nghệ sĩ tráo trở. Với tôi và có lẽ là hàng triệu người Việt Nam khác thì một người thiếu nữ nguyện hi sinh tính mạng vì nền độc lập tự do cho Tổ Quốc luôn là người hùng. Chắc chắn là thế. Mãi là như thế.



GIÁO LÀNG
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment