Bác sĩ Minh điều trị cho bệnh nhân tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp - Ảnh: Hữu Khoa |
Hiện bác sĩ Trần Hoàng Minh đang làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp. Đã cấp cứu cho hàng trăm bệnh nhân trong bảy tháng làm việc, nhưng chưa bệnh nhân nào biết bác sĩ Minh từng sống ở Mỹ bởi anh nói tiếng Việt rất chuẩn.
“Tại sao em lại về đây?”
8 tuổi, Minh sang Mỹ ở cùng gia đình. Gần 20 năm sống ở Mỹ nhưng hằng ngày ba mẹ Minh đều nói chuyện với con bằng tiếng Việt.
Ba mẹ Minh quan niệm “Là người Việt Nam, một ngày nào đó có cơ hội quay về Việt Nam thì con phải nói được bằng tiếng Việt”.
Gần như mùa hè nào Minh cũng được ba mẹ cho về TP.HCM thăm bà nội, họ hàng nên Minh quen với cách sống, môi trường ở Việt Nam. Sau bốn năm học tại Trường đại học Houston (Mỹ), Minh lấy bằng cử nhân, dự thi và học tiếp tại Trường đại học Queensland (Úc).
Ngày đó Minh quyết định sang Úc học ngành y vì tốt nghiệp Trường đại học Queensland Minh có quyền hành nghề bác sĩ tại cả Mỹ và Úc. Thế nhưng, trước ngày tốt nghiệp Minh quyết định sẽ về TP.HCM để chăm sóc bà nội và góp sức mình phục vụ những người bệnh tại quê hương.
“Ba mẹ và em trai Minh vẫn đang ở bên Mỹ, Minh quyết định về Việt Nam làm việc có nhận được sự ủng hộ từ gia đình?” - chúng tôi hỏi.
Chàng trai trẻ mỉm cười và nhắc lại lời của ba mẹ mình thay cho câu trả lời: “Con thích làm việc ở đâu thì con ở đó, miễn là nơi đó con cảm thấy vui. Ba mẹ luôn ủng hộ con”.
Tháng 7-2015, Minh từ Mỹ về Việt Nam. Trước khi quyết định chọn bệnh viện nào để nộp hồ sơ xin việc, Minh tự chạy xe máy đến nhiều bệnh viện trong TP.HCM, “đóng vai” người bệnh để quan sát cách tiếp nhận, phục vụ của từng bệnh viện. Nhận thấy Bệnh viện Q.Gò Vấp coi trọng bệnh nhân, lại gần nhà bà nội nên Minh nộp đơn xin việc.
Buổi sáng hôm ấy, nộp xong hồ sơ Minh chạy xe về ngay vì nghĩ phải chờ một thời gian nữa mới được gọi. Ai dè đang trên đường chạy xe về nhà thì giám đốc bệnh viện gọi điện bảo quay lại phỏng vấn.
Gặp Minh, TS.BS Phạm Hữu Quốc, giám đốc bệnh viện, tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi đi hỏi lại: “Tại sao em lại xin về đây?”. TS Quốc chia sẻ về thu nhập tại các bệnh viện công không bằng các bệnh viện tư và càng chênh lệch rất nhiều so với bác sĩ làm việc tại Mỹ. Lúc đó Minh trả lời: “Em đi làm chỉ vì yêu thích công việc. Em không đặt nặng về lương. Em nghĩ đủ sống là được rồi”.
Bệnh nhân cảm động
Từ ngày đi làm, Minh dành nhiều thời gian ở trong bệnh viện. Những ngày không phải trực nhưng nếu thấy “nhớ” bệnh viện, Minh lại đến khoa cấp cứu tự nguyện phục vụ bệnh nhân.
7g sáng mới bắt đầu giao ca nhưng nếu đến ca trực, Minh luôn có mặt từ lúc 6g30. Minh bảo bác sĩ trực ca đêm rất mệt, nếu có bệnh nhân nhập viện lúc 6g55 sẽ phải ở lại thêm để tiếp nhận bệnh nhân, chưa kể bệnh nhân mới được bác sĩ này tiếp nhận đã thay ngay một bác sĩ khác.
Các bệnh nhân đến khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp đều cảm nhận được ở Minh một bác sĩ rất ân cần, nhẹ nhàng và tận tụy với bệnh nhân. Khi hỏi bệnh những bệnh nhân lớn tuổi hơn, bác sĩ Minh luôn bắt đầu bằng từ “Thưa...” rất lễ phép.
Hôm đó có một nam bệnh nhân bị chấn thương được đưa vào cấp cứu. Sau khi được bác sĩ kê toa thuốc, bệnh nhân phải đi đóng viện phí nhưng không có thân nhân đi cùng. Lúc đó công việc không quá bận, các điều dưỡng lại đang làm những việc khác nên bác sĩ Minh đã đẩy xe lăn đưa bệnh nhân đi đóng tiền.
Gặp những bệnh nhân già yếu khác, dù đã được chỉ đường nhưng vẫn không biết cách đi, bác sĩ Minh đã dẫn họ tới tận các khoa phòng. Những bệnh nhân này rất ngạc nhiên và khi hiểu ra họ đã rất cảm động.
Về quê hương làm việc, bác sĩ Minh cũng nhận ra một vấn đề đang còn thiếu sót tại Việt Nam. Đó là khoảng cách rất xa giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân yếu kém về tài chính, trình độ.
Minh quan niệm dù bệnh nhân là người như thế nào thì bác sĩ cũng phải luôn coi bệnh nhân là trên hết. Theo Minh, mỗi bệnh nhân đều để lại cho bác sĩ một ký ức, một kinh nghiệm trong nghề nghiệp và chính bệnh nhân đã giúp bác sĩ nâng cao được tay nghề.
Càng tiếp xúc với bệnh nhân ở quê hương, bác sĩ Minh càng cảm thấy thương nên làm được việc gì giúp bệnh nhân là anh làm ngay.
Trong những đêm cấp cứu, gặp những bệnh nhân già yếu không có người thân đi cùng, cần ly nước để uống thuốc nhưng không có ai chạy đi mua nước, Minh liền xin ý kiến bệnh viện, tự bỏ tiền mua bình nước để ngay trong khoa cho bệnh nhân uống.
Minh còn tự mua đồ cặp nhiệt điện tử (đo nhiệt độ trong khoảng 5 giây là có kết quả) cho khoa dùng vì bệnh viện chỉ có cặp nhiệt bằng thủy ngân. Theo anh, cặp nhiệt bằng thủy ngân chính xác nhưng phải mất vài phút mới lên được nhiệt độ, trong khi cấp cứu cần có kết quả nhanh hơn. Anh còn tự mua thêm cả máy đo SPO2 (đo lượng oxy trong máu) xem bệnh nhân thật sự có khó thở hay không.
Hiện anh đang cùng một người bạn am hiểu về tin học viết một phần mềm phục vụ bệnh nhân. Phần mềm này gần giống với phần mềm ở Mỹ. Từ triệu chứng của người bệnh, phần mềm này sẽ đặt câu hỏi để người bệnh trả lời, sau đó hướng dẫn họ đến chuyên khoa nào khám bệnh...
Đến tận nhà
thăm bệnh nhân
Đôi khi Minh còn tìm đến tận nhà bệnh nhân vì không liên lạc được với họ qua số điện thoại. Một bệnh nhân nữ bị bệnh Zona đã đến Bệnh viện Q.Gò Vấp cấp cứu vì quá đau.
khi điều trị, bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Minh kê toa thuốc và dặn bệnh nhân nếu lái xe ban ngày thì không nên uống vì thuốc sẽ gây chóng mặt. Dù đã dặn bệnh nhân nhưng anh vẫn thắc mắc không biết bệnh nhân có bị chóng mặt hay không.
Xem lại hồ sơ bệnh án thì không có số điện thoại, chỉ có địa chỉ bệnh nhân, nên lúc đi làm về anh chạy qua nhà bệnh nhân chỉ để hỏi bệnh nhân có bị chóng mặt không rồi về ngay.
Minh kể bên Mỹ bác sĩ không trực tiếp theo dõi bệnh nhân như vậy, nhưng sau ba ngày bệnh nhân khám bệnh hoặc xuất viện sẽ có nhân viên bệnh viện gọi điện hỏi thăm sức khỏe người bệnh có tốt hơn không.
Minh rất thích cách làm việc như vậy vì sau khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ cũng cần biết kết quả điều trị của mình thế nào để rút kinh nghiệm cho những lần điều trị tiếp theo.
Thấy việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau điều trị là cần thiết, Minh đã xin ý kiến giám đốc bệnh viện lập ra một cuốn sổ riêng để tự theo dõi sức khỏe bệnh nhân và mức độ hài lòng của họ khi được anh điều trị.
Anh sẽ ở Việt Nam luôn hay chỉ phục vụ bệnh nhân một thời gian rồi lại quay về Mỹ? Minh trả lời ngay với chúng tôi rằng anh “đã định cư ở đây”. Anh còn khoe đã được nhập hộ khẩu, được cấp chứng minh nhân dân và là người Việt Nam 100%.
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160529/tu-bo-giau-sang-tro-ve-que-nha/1109254.html
0 comments :
Post a Comment