TPO - Trung Quốc ngày 20/5 yêu cầu Mỹ chấm dứt hoạt động giám sát gần Trung Quốc sau khi hai máy bay chiến đấu của Bắc Kinh có hành động mà Lầu Năm Góc gọi là vụ chặn đường “mất an toàn” đối với một máy bay trinh sát Mỹ trên biển Đông.
Một máy bay trinh sát Mỹ. Ảnh minh họa
Vụ việc xảy ra trên vùng không phận quốc tế hôm thứ ba tuần này khi máy bay của Mỹ đang thực hiện “tuần tra thường kỳ”, Lầu Năm Góc khẳng định trong một tuyên bố. Quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, hai máy bay J-11 của Trung Quốc bay chỉ cách máy bay EP-3 của Mỹ khoảng 15m. Vụ việc xảy ra ở phía đông đảo Hải Nam. “Các báo cáo ban đầu xác định vụ việc là không an toàn”, Lầu Năm Góc tuyên bố.
Năm 2001, một máy bay Trung Quốc chặn đường máy bay do thám của Mỹ, dẫn đến vụ va chạm khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. 24 thành viên máy bay Mỹ bị giữ ở đó 11 ngày cho đến khi Washington xin lỗi về vụ việc. Đến năm 2015, Mỹ và Trung Quốc đồng ý lập đường dây nóng quân sự và quy tắc quản lý các vụ va chạm không mong muốn trên không (CUES).
Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược tại Washington (Mỹ), cho rằng, có thể không quân Trung Quốc “chưa nắm được thông điệp” hoặc hành động chặn đường đó có thể là tín hiệu thể hiện sự khó chịu với các chiến dịch khẳng định tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông. “Nếu vì lý do thứ hai thì thật đáng thất vọng khi Trung Quốc hy sinh CUES để giành lợi thế trong trò chơi chính trị”, ông Poling nói.
Lầu Năm Góc khẳng định, vụ việc xảy ra trên không phận quốc tế, cách bờ biển Trung Quốc đại lục khoảng 100 hải lý về phía nam và cách bờ biển đảo Hải Nam khoảng 50 hải lý về phía đông.
Các chuyên gia quân sự nói rằng, bờ biển phía nam Trung Quốc là vùng quân sự nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam là nơi đậu của hạm đội tàu ngầm hạt nhân ngày càng đông và là mục tiêu lớn của các hoạt động trinh sát của phương Tây. Bờ biển tỉnh Quảng Đông cũng được cho là nơi cất giữ những tên lửa tiên tiến nhất của Trung Quốc, bao gồm tên lửa chống hạm DF-21D.
Tháng trước, Lầu Năm Góc kêu gọi Trung Quốc ngừng đưa máy bay quân sự ra quần đảo Trường Sa. Trước đó, Bắc Kinh điều một máy bay quân sự ra đón công nhân bị ốm trên đá Chữ Thập.
Theo Tiền Phong
0 comments :
Post a Comment