MỤC ĐÍCH GÌ CỦA LUẬN ĐIỆU "TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC ĐANG TRÀ ĐẠP HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI"

Trong những ngày qua, trước những hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây hoang mang trong dư luận quần chúng của những người tự xưng là “Hội thánh Đức Chúa Trời”, các phương tiện truyền thông nhà nước đã đồng loạt đưa tin để giúp người dân nhận diện hoạt động bất hợp pháp này và nâng cao cảnh giác cho người dân.

Tuy nhiên, trước việc truyền thông đồng loạt đưa tin về những hoạt động phi pháp, trái với tín ngưỡng truyền thống của cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời”, một số người đã cho rằng, “có cái gì đó không bình thường” ở việc đưa tin rầm rộ về loại “tà đạo” này. Một số người còn cho rằng, truyền thông nhà nước đang “đưa tin một chiều” và việc đưa tin ồ ạt về “Hội thánh Đức Chúa Trời” trên các phương tiện truyền thông rõ ràng “mang một dụng ý không tốt”, "cố ý trà đạp một tôn giáo mới hình thành ở Việt Nam".

Thực hư những luận điệu này là như thế nào?

Trước hết, cần nói rằng, cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời” mà truyền thông đang đưa tin không phải là “Hội thánh của Đức Chúa Trời” đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời” mà truyền thông đang đưa tin thực chất là một thứ “tà đạo”, hoạt động mê tín, dị đoan, vụ lợi khác hoàn toàn với “Hội thánh của Đức Chúa Trời” chính thống đã được nhà nước cấp phép hoạt động.
Truyền đạo sư Nguyễn Văn Hòa - người phụ trách cao nhất
"Hội thánh của Đức Chúa Trời" tại TP.HCM

Điều này đã được chính truyền đạo sư Nguyễn Văn Hòa (người phụ trách cao nhất “Hội thánh của Đức Chúa Trời” tại TP.HCM) khẳng định. Theo ông Nguyễn Văn Hòa “Hội thánh của Đức Chúa Trời” đã được cấp phép hoạt động vào ngày 28-7-2017. Hội thánh này đi theo một phong trào tôn giáo mới bắt nguồn từ Hàn Quốc từ năm 1964. Ông Hòa khẳng định: “Hội thánh của Đức Chúa Trời phản đối các hoạt động tôn giáo cực đoan; người trong hội thánh không hành động như vậy”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hòa: “Hội thánh của Đức Chúa Trời của chúng tôi không dạy tín đồ đi về nhà đập bàn thờ, bát hương vì đó là sự tôn trọng truyền thống gia đình. Không được phép vì khác đức tin mà xa cách gia đình, xa cách xã hội. Trong gia đình cần trao đổi, trò chuyện, tôn trọng nhau và chấp nhận nhau, không được vì khác đức tin mà ly khai. Với những người ngoài xã hội, khác tín ngưỡng cũng phải tôn trọng họ, không được phép có những hành động kỳ thị, sai trái. Những thông tin về đóng phí thu nhập (phải đóng phí hội thánh 10% thu nhập) thì cũng không chính xác. Trong HTCĐCT, tín đồ dâng hay không dâng đều không sao, hội thánh không bắt buộc thánh đồ phải đóng bao nhiêu”.

Như vậy, cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời” với những việc làm như ép tín đồ bỏ học, ly khai gia đình, đập bỏ bàn thờ, bát hương, đóng phí hội thánh… rõ ràng là những hoạt động phi pháp, trái với thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam và cần phải bị loại bỏ.

Trên thực tế, nhiều gia đình ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội… đã phải ly tán, tan cửa nát nhà, mất con cái vì những hoạt động bất hợp pháp của cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời”. Chính bởi vậy, việc truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin về những hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật của “Hội thánh Đức Chúa Trời” để người dân nhận diện và nâng cao cảnh giác là hoàn toàn cần thiết. Hoàn toàn tôi chẳng thấy “dụng ý không tốt” nào trong việc đưa tin này.

Còn nếu nói rằng, truyền thông nhà nước chưa bao giờ đưa tin về những điều tích cực mà tôn giáo mang lại là một nhận định hoàn toàn thiếu khách quan và mang tính định kiến. Một trong những chức năng của truyền thông, nhất là truyền thông đại chúng là chức năng tư tưởng, định hướng dư luận, chức năng khai sáng, giải trí… bởi vậy truyền thông đưa tin gì, nội dung như thế nào đều hướng đến đảm bảo chức năng đó. Tôn giáo, tín ngưỡng đều hướng con người ta sống tốt, hướng thiện. Bởi vậy, nếu tôn giáo, tín ngưỡng đảm bảo hướng con người sống tốt, hướng thiện theo đúng nghĩa thì chẳng có lý do gì không đưa tin để được nhân rộng. Chỉ có những hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật, chống chính quyền thì mới bị lên án và ngăn cấm.

ẤN PHÁT
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment