Phó thủ tướng: Phòng chống bão lũ còn chủ quan, thụ động

Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 và số 2 báo cáo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định công tác phòng chống thiên tai còn chủ quan, thụ động.

Chiều 8/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị “Rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và số 2”. Đánh giá về tình hình dự báo bão, nhiều địa phương nhận định, công tác dự báo bão chưa sát với diễn biến thực tế.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, thực tế, bão số 1 khi đi vào tỉnh Nam Định rất mạnh, gió giật trên cấp 13 ở các địa phương và trên cấp 12 ở TP Nam Định. Theo ông Nghị, đây là cơn bão lớn nhất từ năm 1986, không như trung tâm dự báo khí tượng dự báo.

“Thông tin dự báo bão, hướng đi là chính xác. Tuy nhiên, dự báo cấp độ gió chưa chuẩn, không dự báo được việc bão kéo dài khi vào bờ nên gây thiệt hại lớn, dù đã chủ động phòng chống. Bão vào mạnh hơn so với dự báo, thiệt hại do bão ở Nam Định trên 3.000 tỷ đồng”, ông Nghị nói.
Bão số 1 gây thiệt hại lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Việt Hùng
Bão số 1 gây thiệt hại lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Việt Hùng
Về vấn đề này, tiến sĩ Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thừa nhận, bão số 1 di chuyển gần bờ biển, bão đột ngột dừng lại và di chuyển chậm khi đổ bộ.

Theo tiến sĩ Cường, các bản tin chưa dự báo được sự chậm lại bất thường này nên cũng chưa cảnh báo được thời gian duy trì gió mạnh ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lâu hơn so với quy luật bình thường.

TS. Cường đưa ra dẫn chứng: “Thực tế các trung tâm dự báo quốc tế như Mỹ, Nhật cũng không dự báo được, đây là hạn chế về mặt khoa học công nghệ dự báo bão”.

Nói về công tác này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, công tác dự tính, dự báo đòi hỏi phải nâng cao hơn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho dự báo phải hết sức chú ý.

Với tư cách Trưởng Ban chỉ đạo, ông Cường đề nghị, Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nâng cao cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác dự báo, tăng tiềm lực khoa học công nghệ làm cơ sở dự báo cảnh báo ngày một sát hơn với thực tế.

“Nếu cần hợp tác quốc tế để đối phó với những kịch bản biến đổi khí hậu, đối phó với thiên tai để chúng ta có thể đưa ra những dự báo khá sát với tình hình thực tiễn làm tham mưu cho công tác phòng chống lụt bão”, ông Cường đề xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cơn bão số 1 và số 2 đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã vào cuộc quyết liệt, sự chủ động trong phòng chống bão của người dân nên đã giảm thiểu, hạn chế thấp nhất được thiệt hại về người và tài sản.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão có nơi còn bị động, lung túng, chủ quan. Tính chủ động còn chưa cao, còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên.

Việc sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi các vị trí nguy hiểm ở nhiều nơi chưa quyết liệt. Công tác dự báo mặc dù đã được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa lường trước được những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao năng lực của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các cơ quan cảnh báo liên quan. Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao nâng cao năng lực về công nghệ và về con người, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Nguồn: http://news.zing.vn/pho-thu-tuong-phong-chong-bao-lu-con-chu-quan-thu-dong-post672197.html

Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment