“Đảng cử dân bầu” - câu nói nôm na trong đời sống chính trị ở nước ta đang bị một số người bóp méo, xuyên tạc đến mức thô thiển. Họ cho rằng, “Đảng cử dân bầu” khiến cho bầu cử bị mất dân chủ, trở nên hình thức, “Đảng hóa Quốc hội”. Họ tầm thường hóa và kêu gọi phải xóa bỏ vai trò Đảng lãnh đạo bầu cử thì mới có dân chủ thực sự. Nhất là sau thất bại của nhiều “nhà dân chủ” tự ứng cử tại vòng hiệp thương thứ 3 của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Họ hô hào: “Để lập được một quốc hội có năng lực thì trước hết phải kiên quyết bỏ hẳn cách Đảng cử dân bầu, Mặt trận độc quyền giới thiệu. Phải mở rộng đường cho việc tự ứng cử và vận động ứng cử tự do”.
Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, cách gọi “Đảng cử dân bầu” có phần nôm na, chưa phản ảnh đúng hoàn toàn nội dung, phương thức Đảng lãnh đạo bầu cử. Có thể thấy ngay số lượng, cơ cấu, thành phần, nhân sự ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội không phải do Đảng áp đặt, “đạo diễn” như một số trang mạng rêu rao. Chỉ bằng một cú nhấp chuột vào trang web của Quốc hội, sẽ tìm thấy ngay Nghị quyết số 1135/2016/UBTVQH13, ngày 22-1-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, quy định chi tiết phân bổ ứng cử viên tới từng bộ, ngành, địa phương, người trong Đảng và ngoài Đảng.
Một điểm tiến bộ, minh bạch rất rõ của kỳ bầu cử năm nay là việc bầu cử được thực thi theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Điều 4 của luật này quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử… Rõ ràng ở đây, không thấy có quy định nào nêu liên quan đến vai trò của tổ chức đảng hay cho phép Đảng “đạo diễn”, “lũng đoạn” bầu cử.
Cơ chế “Đảng cử dân bầu” thực ra đã và đang được áp dụng ở nhiều nước, kể cả ở các nước tư bản như Anh, Mỹ, các đảng cũng cử ứng viên của mình trước, để dân bầu sau với nhiều thủ đoạn lắt léo trong tranh cử. Suy cho cùng, không có cuộc bầu cử nào không mang tính giai cấp và không có bóng dáng của các đảng chính trị.
Đối với nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất. Vai trò lãnh đạo của Đảng cần được nhìn nhận ở tầm khái quát gắn với một cơ chế tổng hòa để phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không chỉ đạo công việc cụ thể của Quốc hội. Đảng lãnh đạo nhưng phải thực sự tôn trọng Quốc hội với tư cách là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Bất cứ đảng cầm quyền nào cũng không muốn mất đi quyền lãnh đạo của mình hay rơi vào nguy cơ mất quyền lãnh đạo. Việc mất quyền lãnh đạo có thể xảy ra một khi chính trị không ổn định. Quốc hội là nền tảng chính trị - pháp lý cho một quốc gia nếu không vững chắc chính là nơi nảy sinh mất ổn định. Chính vì vậy, lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND có thể coi là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với một đảng cầm quyền. Việc Đảng lãnh đạo bầu cử Quốc hội hiện nay đã và đang giải quyết rất khéo léo yêu cầu của một đảng cầm quyền đối với cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước.
Từ vấn đề này, có thể nhìn lại suy diễn của ai đó áp đặt về một số người tự ứng cử gần đây. Những cá nhân ấy có thể rất giỏi, rất nổi trên một vài lĩnh vực, song nếu nhìn trong bức tranh tổng thể, đòi hỏi cơ quan lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược. Đây cũng là điều được cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu ngay từ năm 1976 (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) với các đảng viên là đại biểu Quốc hội trong dịp chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam: “Có người không hiểu rõ tính chất của Quốc hội ta cho nên khi chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ muốn giới thiệu những nhân sĩ dân chủ, những trí thức có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cao, không chú ý giới thiệu anh chị em công nhân và nông dân, quên mất tính chất nhân dân của Quốc hội ta. Trái lại, có người chỉ muốn giới thiệu những đảng viên, những cán bộ lãnh đạo của Đảng, những người thuộc các thành phần cơ bản mà quên mất chính sách mặt trận, chính sách đoàn kết rộng rãi của Đảng và tính chất đại diện toàn dân của Quốc hội. Có người lầm tưởng rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì có thể không cần sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên trong công tác Quốc hội, đã tách rời nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với nhiệm vụ đảng viên, không thấy rõ nhiệm vụ đảng viên đại biểu Quốc hội là phải góp phần lãnh đạo Quốc hội đi đúng đường lối của Đảng, bảo đảm cho công tác Quốc hội đạt kết quả tốt”.
Thực tiễn và niềm tin của nhân dân đều chứng minh sự lãnh đạo của Đảng trong bầu cử là nhân tố không thể thiếu, nhân tố quyết định tạo nên thành công của bầu cử, của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
GIÓ
0 comments :
Post a Comment