Vừa qua, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã thành công tốt đẹp. Đây là một kì đại hội Đảng có ý nghĩa rất trọng đại đối với dân tộc, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang, kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, tăng cường đoàn kết nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công tốt đẹp |
Chính vì những thành công vang dội trên mà hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới như: AFP của Pháp, hãng tin Reuters của Anh, Nhật báo Phố Wall…cũng đã có bài viết đánh giá thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII của Việt Nam, trong đó nhận định: Cuộc chuyển giao ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa cho thấy rõ sự ổn định chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử còn đồng nghĩa với việc định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam về cơ bản sẽ không có sự thay đổi gì lớn…
Điều này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp thiện chí, lời khen ngợi khách quan đó thì vẫn còn một số tờ báo thể hiện quan điểm chủ quan, cái nhìn thiển cận, lệch lạc và đầy tính thù địch về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Điển hình như tuần báo The Economist của Anh ngày 30/1/2016 đã cho đăng tải bài viết có tiêu đề: “Politics in Vietnam: Reptilian manoeuvres”.
Thứ nhất, tuần báo the economist cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê nin đã quá lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, đây lại là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, đi ngược lại thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong đó, tổng kết 15 năm đổi mới ở nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu, trong đó bài học hàng đầu là phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ” và khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Đây là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng và của cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình từ khi thành lập Đảng đến nay. Đó là một quyết định có tầm lịch sử quan trọng thể hiện quá trình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
The Economist có cái nhìn lệch lạc về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII |
Thứ hai, tuần báo the economist cho rằng Việt Nam nên tăng cường hợp tác với Mỹ để chống lại việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Điều này hoàn toàn trái với quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Như chúng ta đã biết vấn đề Biển Đông từ lâu đã trở thành điểm nóng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung. Mọi hoạt động của các nước trong khu vực nếu không được tính toán, cân nhắc một cách kỹ lưỡng, cẩn thận thì đều có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và nguy hiểm hơn là một cuộc chiến giữa các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển này. Hơn nữa, Việt Nam luôn kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống; chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Điều này đã được cả thế giới công nhận về vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc đảm bảo, duy trì an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Thứ ba, tuần báo the economist cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa kinh tế. Điều này là hoàn toàn trái ngược với những gì đã diễn ra trên thực tế. Bởi lẽ như chúng ta đều biết thì tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 và gần đây nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã biểu quyết đồng ý chấp thuận ký kết Hiệp định TPP vào đầu tháng 2/2016. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị về kết quả đàm phán và xin chủ trương về ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đã thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các thể chế kinh tế đa phương của Việt Nam, góp phần xây dựng quan hệ kinh tế công bằng, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi; xuất phát từ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước, triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng.
Như vậy, chúng ta có thể thấy thực chất bài viết “Politics in Vietnam: Reptilian manoeuvres” đăng tải trên tuần báo The Economist đã thể hiện cái nhìn chủ quan duy ý chí, sai lệch của tác giả về sự thành công của Đại hội XII. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng, mỗi người dân nên tỉnh táo, cảnh giác, không để các đối tượng xấu tác động tư tưởng, hướng lái nhận thức để chúng lợi dụng vào các hoạt động chống phá chính quyền nhân dân.
Nam Cường
0 comments :
Post a Comment