Liên quan đến các vấn đề của Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là vấn đề nhân sự, các thông tin xấu độc được tung ra nhiều, làm cho mọi người bị nhiễu loạn thông tin. Thông qua việc nói xấu, đặt điều vu khống về các đồng chí lãnh đạo cấp cao, xuyên tạc vu cáo tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên các câu chuyện về “phe cánh” … như các bài viết trên các blog danlambao, anhbasam, blog VOA, blog RFA. Các thế lực thù địch đã cố tình tung tin đồn thất thiệt: dựng chuyện đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “bịt đường” vào khóa XII của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để cho mình là ứng cử viên độc nhất được giới thiệu cho khóa XII; rằng Hội nghị Trung ương 14 thực chất là một cuộc đảo chính, vi phạm Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm áp đặt “tứ trụ” cho khóa XI bầu bán xong xuôi cho Đại hội XII từ khi nó chưa họp, … Đây là một chiêu thức hết sức thâm độc, một âm mưu chống phá được sắp đặt sẵn của các thế lực thù địch để chống phá Đại hội XII của Đảng.
Như chúng ta đã biết tại Hội nghị 14, Trung ương đã thảo luận và biểu quyết thông qua nhân sự các chức danh lãnh đảo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung và thành công tốt đẹp. Có được kết quả trên là do Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị các nội dung cho Đại hội một cách chủ động, chặt chẽ, thận trọng, bài bản, từng bước một và hết sức dân chủ, đúng quy trình. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (năm 2012), Trung ương đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Việc thông qua quy hoạch trên là cơ sở, là nền tảng để các Hội nghị Trung ương tiếp theo bàn và quyết định nhân sự. Trải qua các Hội nghị, vấn đề nhân sự luôn được đưa ra thảo luận, bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng thông qua phương hướng nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XII, rất chi tiết, cụ thể như: tiêu chuẩn Ủy viên trung ương chính thức, Ủy viên trung ương dự khuyết ra sao … Rồi tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiêu chuẩn ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước … Tất cả những vấn đề gì khi Trung ương bàn, thảo luận còn có nhưng ý kiến khác nhau thì đều biểu quyết bằng phiếu. Đến Trung ương 13 bỏ phiếu lại giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tái cử khóa XII. Rồi Trung ương xác định những trường hợp nào là trường hợp “đặc biệt” … Cuối cùng đến Hội nghị 14, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu các đồng chí có thể giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với số phiếu rất tập trung và thành công tốt đẹp. Như vậy, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chủ động làm sớm việc chuẩn bị nhân sự và thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng, bài bản, từng bước một. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đều được quyết định một cách dân chủ bằng hình thức bỏ phiếu kín để đảm bảo công tâm, khách quan. Chính sự dân chủ, khách quan đó đã dẫn đến kết quả Trung ương bỏ phiếu tập trung rất cao. Phiếu tập trung cao tức là Trung ương đã thống nhất cao về nhận thức và hành động nhìn nhận con người để quyết định giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện ứng cử, đề cử ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội quyết, chứ không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng vì bầu có số dư. Qua đó chúng ta có thể bác bỏ hoàn toàn thông tin cho rằng Hội nghị Trung ương 14 thực chất là một cuộc đảo chính, vi phạm điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm áp đặt “tứ trụ” cho khóa XI bầu bán xong xuôi cho Đại hội XII từ khi nó chưa họp.
Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và bỏ phiếu đề cử bổ sung hai ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” giới thiệu tái cử khóa XII; một ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII. Đồng thời bỏ phiếu giới thiệu 4 trường hợp để Trung ương khóa XII xem xét phân công ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với số phiếu rất tập trung. Với 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt, nhân sự cho mỗi chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội được Hội nghị Trung ương 14 bỏ phiếu hai lần. Lần đầu là do Trung ương giới thiệu nhiều phương án, có những trường hợp xin rút. Bộ Chính trị không quyết định việc cho rút mà do Trung ương quyết định. Trung ương quyết định bằng phiếu kín, bỏ phiếu “chốt” danh sách để đồng ý cho rút hay không cho rút đối với các trường hợp xin rút. Vòng hai là bỏ phiếu chính thức đối với nhân sự cụ thể của từng chức danh. Cả hai vòng này số phiếu đều rất tập trung và thể hiện ý chí của Trung ương và Bộ Chính trị là thống nhất. Đối với phương án một trường hợp “đặc biệt” là ủy viên Bộ Chính trị khóa XI được giới thiệu lại để tham gia khóa XII, trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư thống nhất rất cao (có 19/19 ý kiến giới thiệu). Các lãnh đạo (các chức danh chủ chốt) của Đảng và Nhà nước đã bàn thảo với nhau nhiều lần và đi đến thống nhất như phương án Bộ Chính trị đã đề xuất với Trung ương. Tất cả phương án nhân sự nêu trên là sự chuẩn bị và giới thiệu của Ban chấp hành Trung ương khóa XI để Đại hội XII và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xem xét quyết định cuối cùng. Như vậy, thông tin cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bịt đường tiếp tục vào khóa XII của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để cho mình là ứng cử viên độc nhất được giới thiệu của Bộ Chính trị khóa XII cho khóa XII là không có căn cứ, xuyên tạc sự thật.
Vấn đề nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao trong Đại hội XII thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người và của toàn xã hội. Lợi dụng điểm này, các thế lực thù địch, chống đối, muốn phá hoại Đại hội Đảng đã tăng cường đưa nhiều tin bài bàn luận về vấn đề nhân sự. Sau Hội nghị Trung ương 14 và dịp diễn ra Đại hội XII, chúng đã sử dụng nhiều hình thức thông tin như: thư ngỏ, thư kiến nghị, đơn tố cáo, báo cáo giải trình, … được tung ra ngày càng nhiều. Đáng chú ý, những cái đó lại chỉ được tung ra trên các trang thù địch như danlambao, boxitvn, anhbasam, xuandienhannom hay trên các facebook của những kẻ cùng hội cùng thuyền với chúng, với mật độ ngày càng dày đặc. Thông tin được tung ra tưởng chừng nhiễu loạn nhưng lại có chung một ý đồ: khiến cho người tiếp cận thông tin nếu không khách quan, kiểm chứng kỹ lưỡng thì sẽ dễ tin theo và có suy nghị: nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang đấu đá, chia bè phái, tranh giành quyền lực, mất đoàn kết, thậm chí triệt hạ lẫn nhau. Lợi dụng sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng để tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc sự thật, gắp lửa bỏ tay người, dựng chuyện đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị này làm việc này, đồng chí trong Ban Bí thư làm việc kia … Đây là chiêu thức hết sức thâm độc, một âm mưu chống phá được sắp đặt sẵn để chống Đại hội XII ngay từ đầu và càng về cuối càng quyết liệt mà thôi. Vì vậy, chúng ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái này.
Thế Huy
0 comments :
Post a Comment