Cả một khoảng rừng Sơn Trà bị tàn phá nặng nề.
Hơn 3 hecta rừng Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị tàn phá cả tháng trời, tuy nhiên kiểm lâm tại đây lại nói rằng không hay biết.
Rừng bị tàn phá, kiểm lâm không hay biết
Báo BizLive đưa tin, thống kê sơ bộ đến ngày 27/2 từ các cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết, có hơn 3 hecta rừng tại 2 tiểu khu 62 và 64 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bị phát quang, triệt hạ bởi những người nhận khoán trồng rừng tại đây.
Ông Phùng Tấn Viết – Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ trực tiếp tiến hành thị sát hiện trường và buộc các cơ quan quản lý chức năng nhận rõ trách nhiệm vào chiều ngày 29/2 tới.
Thời gian gần đây, truyền thông trong nước liên tục phản ánh về việc một diện tích rừng rộng lớn trong khu vực rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng lực lượng kiểm lâm tại đây nói không hề hay biết gì.
Nhiều diện tích rừng Sơn Trà bị phá tan hoang.
Theo thông tin trên báo Dân Việt, sau khi người dân phản ánh, Sở NNPTNT TP Đà Nẵng đã thành lập đoàn đi kiểm tra do ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở này dẫn đầu. Sáng 25/2, tại hiện trường khảo sát cho thấy có hàng chục lán tạm nham nhở được dựng trong khu rừng Bán đảo Sơn Trà. Lực lượng của Sở NNPTNT TP Đà Nẵng đã tiến hành tháo dỡ một lán rộng có mái tôn và tạm giữ 5 người đang hoạt động trái phép trong khu rừng này. Qua kiểm tra bước đầu cho thấy, một khoảng rừng khoảng 500 m2 đã bị đốt phá tan hoang.
Điều đáng nói, nơi đây là Khu bảo tồn thiên nhiên với hệ thống rừng nguyên sinh gồm 298 loài thực vật, hơn 100 loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh… Trong đó đặc biệt có loài voọc chà vá thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc hàng chục người vào rừng dựng lán trại và phá rừng mà các viên chức quản lý Bán đảo Sơn Trà, lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng hoàn toàn không hay biết cho đến khi người dân phản ánh.
Lối mòn trong rừng bị phát quang với các hàng cây bị đốt trụi.
Một góc rừng ở tiểu khu 62 bị phát trọc.
Đùn đẩy trách nhiệm
Báo Lao Động phản ánh, sau khi sự việc bị phát lộ, chỉ có ông Phan Văn Khoa (kiểm lâm quản lý địa bàn, thuộc Hạt Kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn) bị truy cứu thiếu trách nhiệm và đề nghị kiểm điểm. Còn các cơ quan Hạt Kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn và phường Thọ Quang lại đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn nói 7ha đất rừng trên được bàn giao lại cho phường quản lý. Ngược lại, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho rằng: “Hàng nghìn hécta đất rừng tại bán đảo, kiểm lâm chỉ mới bàn giao trên một tổng thể, chưa bàn giao chi tiết nên chúng tôi không biết đâu cả. Vì vậy, trách nhiệm chính khi để xảy ra việc này là kiểm lâm. Chúng tôi chỉ có một phần trách nhiệm trong chuyện này thôi”.
Còn ông Trần Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng xác nhận: “Rừng Sơn Trà được bảo vệ nghiêm ngặt nên dù đất khác hoặc rừng đặc dụng và có làm du lịch đi chăng nữa cũng không được chặt cây rừng, đốt phá. Chủ rừng được giao khoán đất chỉ được phép phát dọn dây leo nhưng khi thực hiện phải xin phép kiểm lâm. Để xảy ra tình trạng này thì Hạt Kiểm lâm Sơn Trà phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chi cục Kiểm lâm…”
Ai phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi vấn đề này với báo Người Lao Động, ông Võ Đình Công – Chủ tịch UBND phường Thọ Quang bức xúc: “Nhà nước bỏ tiền ra trả lương cho hàng chục kiểm lâm bảo vệ rừng ở bán đảo Sơn Trà nhưng để người dân phá rừng gần cả tháng trời mà không phát hiện ra, chi bằng bỏ tiền thuê một người dân đã phát hiện vụ việc này rồi phản ánh với cơ quan chức năng, còn giá trị hơn nhiều”.
Ôngg Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở NNPTNT TP Đà Nẵng bày tỏ: “Vụ này nói kiểm lâm không biết là có vấn đề chứ phá rừng gần cả tháng mà nói không biết sao được”.
Còn ông Trần Văn Thanh – Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Trà cũng thừa nhận do kiểm lâm chủ quan, nghĩ rằng đất rừng này đã giao cho UBND phường quản lý nên lơ là trong kiểm tra.
Ông Lê Phước Bảy – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà thì cho rằng do thời điểm Tết Nguyên đán, kiểm lâm thiếu giám sát, quản lý nên đã xảy ra tình trạng này.
Hiện, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục thu thập thông tin và xem xét trách nhiệm xử lý của các đơn vị liên quan.
(Nguồn: Đại Kỷ Nguyên)
thật không thể tin nổi, :v
ReplyDeleteĐùa chứ có đường có đồ có người có phương tiện mà không đi tuần tra giám sát gì cả. Cứ như này thì sớm muộn gì bán đảo sơn trà thành bán hoang đảo mất. Chả có cây cối muông thú chim muông chi cả
ReplyDelete